Tháng 1, thương mại trong nước tăng trong khi xuất-nhập khẩu hàng hóa giảm (10-02-2022)

Trong tháng, sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa, gieo trồng hoa màu và thu hoạch cây vụ đông. Chăn nuôi tiếp tục đà phục hồi, phát triển. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngư dân tích cực ra khơi bám biển. Nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong vụ lúa – tôm, tập trung cải tạo ao nuôi, bắt đầu cho niên vụ mới.
Tháng 1, thương mại trong nước tăng trong khi xuất-nhập khẩu hàng hóa giảm
Ảnh minh họa

Tháng 1 là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1 có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Hoạt động đầu tư trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 13% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

Tháng 1 là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước tăng so với tháng trước, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2022 ước tăng 6,7% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 29 tỷ USD (giảm 16,2% so với tháng trước); có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD (giảm 6,7% so với tháng trước); có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,2 tỷ USD.

Tháng 01/2022 xuất siêu sang EU ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 5 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 69,2%; nhập siêu từ Nhật Bản 600 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 58,2 triệu USD). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2022 ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Việt Nam triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 “thần tốc, an toàn, khoa học, hiệu quả”

Tháng 01/2022, nhân dân cả nước đón Xuân Nhâm Dần trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 21/01/2022 xuất cấp 9.877,9 tấn gạo để hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán…; Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 21/01/2022 xuất cấp 3.738,5 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ.

Gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng do dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam tiếp tục được triển khai thần tốc, an toàn, khoa học, hiệu quả.

Ngọc Thúy (Theo GSO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác