Sản xuất: Những ước tính gần đây nhất về sản lượng cá rô phi nuôi toàn cầu vào năm 2019 được đưa ra tại hội nghị của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (the Global Aquaculture Alliance - GAA) được tổ chức ở Chennai, Ấn Độ, vào cuối tháng 10/2019, theo đó, tổng sản lượng cá rô phi nuôi toàn cầu năm 2019 ước đạt 6,5 triệu tấn. Con số này tăng khoảng 3-4% so với năm 2018, nhờ thu hoạch tăng ở các nước sản xuất chính (mặc dù có một số thiệt hại đáng kể ở châu Á). Nhìn ở một góc độ nào đó, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng cá rô phi nuôi toàn cầu, nhưng việc mở rộng nhanh hơn đang diễn ra ở các nước khác như Brazil và Indonesia. Sản phẩm của Trung Quốc thường là cá rô phi đông lạnh, giá thấp, chủ yếu dành cho thị trường Mỹ. Ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp này đang bắt đầu bị chèn ép bởi các ngành khác trong môi trường phát triển cạnh tranh ở Nam Trung Quốc và đặc biệt là ở tỉnh Hải Nam. Trong khi đó, ngành nông nghiệp hùng mạnh của Brazil đang đầu tư vào sản xuất cá rô phi và trong năm 2019, sản lượng thu hoạch của Brazil đã tăng khoảng 8%, đạt 432.149 tấn. Cá rô phi hiện chiếm hơn một nửa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Brazil.
|
Thị trường và thương mại: Trong năm 2019, nhập khẩu vào Hoa Kỳ, thị trường cá rô phi lớn nhất thế giới, đạt 172.533 tấn cá rô phi trị giá 591,7 triệu USD. Những con số này thể hiện mức giảm 8,5% về khối lượng và 13,9% về giá trị so với năm 2018. Phi lê cá rô phi đông lạnh chiếm 61,7% thị phần về khối lượng (172.534 tấn) và 66% về giá trị (390,4 triệu USD). Điều này cho thấy sự sụt giảm của mặt hàng phi lê cá rô phi đông lạnh cả về lượng nhập khẩu (-13,7%) và giá trị (-15,7%). Phi lê tươi cũng cho thấy số liệu nhập khẩu thấp hơn so với năm 2018, giảm cả về lượng nhập khẩu (-8,12%) và giá trị (-16%). Sự suy yếu chung của nhu cầu tiêu thụ cá rô phi, cộng với mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, đã dẫn đến xu hướng tiêu thụ giảm. Việc tiêu thụ bị đình trệ do cá rô phi phải vật lộn để cạnh tranh với các lựa chọn thủy sản khác.
Năm 2019, tại Liên minh châu Âu, thời kỳ giá thấp kết hợp với mức thuế cao áp cho mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ đã dẫn đến mức tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm 2018 về cả khối lượng và giá trị nhập khẩu, đạt 29.600 tấn, trị giá 67 triệu EUR. Nếu xét về giá trị thì thị phần của Trung Quốc đã tăng từ 67% (năm 2018) lên 75% vào năm 2019 khi các nhà xuất khẩu của Trung Quốc tìm cách chuyển hướng vào EU một phần cá rô phi vốn định dành cho thị trường Mỹ. So với năm 2018, lượng cá rô phi xuất khẩu của Trung Quốc vào EU năm 2019 đã tăng 19%. Phi lê cá rô phi chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Brazil, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Brazil. Về khối lượng, các sản phẩm phụ, chẳng hạn như da, vảy, dầu và thức ăn là những sản phẩm được giao dịch nhiều nhất, chiếm tới 80% tổng khối lượng. Hoa Kỳ, chủ yếu nhập khẩu philê cá rô phi tươi, vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với ngành xuất khẩu cá rô phi của Brazil.
|
Giá cả: Giá cá rô phi có xu hướng giảm trong năm qua, với loại 500-800g và 300-500g giảm xuống lần lượt khoảng 1,05 USD và 0,77 USD/kg tại Quảng Đông, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Những mức giá này thể hiện sự giảm của 0,28 USD cho cỡ lớn hơn và 0,42 USD cho cỡ nhỏ hơn so với mức đỉnh của năm 2019. Trong khi đó, giá xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn trên 2 USD/kg. Vào đầu năm 2020, sự sụt giảm sản lượng của Trung Quốc đã khiến giá tăng lên.
Dự báo: Vào đầu năm 2020, COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và các biện pháp ngăn chặn sau đó đã dẫn đến việc sản xuất cá rô phi bị đình trệ, thiếu thức ăn thủy sản, hạn chế hoạt động chế biến và suy yếu thị trường trên toàn thế giới. Mặc dù tình hình đã được cải thiện vào tháng 3/2020, nhưng nhiều nhà máy vẫn chậm hồi phục trở lại để hoạt động hết công suất vào cuối tháng 4 do hạn chế về di chuyển của công nhân và nhu cầu tiêu thụ yếu. Do đó, cá trưởng thành bị bỏ lại trong ao và nhiều nông dân không thể thả cá giống cho chu kỳ nuôi tiếp theo.
Trước khi bùng phát COVID-19, dự báo sản lượng cá rô phi cho năm 2020 sẽ tăng khoảng 4,4%. Tuy nhiên, với việc tất cả các bên liên quan đều bị ảnh hưởng bởi các quy định nghiêm ngặt vào năm 2020 thì ngành cá rô phi thế giới phải có những điều chỉnh đáng kể đối với sự kỳ vọng mặt hàng này. Không có sự đảm bảo chắc chắn nào cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi tác động trên diện rộng của đại dịch COVID-19 toàn cầu và giá cả suy yếu. Mặc dù nhu cầu dịch vụ thực phẩm đã bị ảnh hưởng, các nhà tiếp thị đã báo cáo nhu cầu tốt đối với các sản phẩm bán lẻ đông lạnh do các hạn chế COVID-19 giữ chân mọi người ở trong nhà. Về lâu dài, kinh tế suy thoái có khả năng làm tăng nhu cầu đối với các lựa chọn thủy sản có giá thấp hơn như cá rô phi.
Tại Brazil, Hiệp hội Nuôi cá Brazil (PEIXE BR) kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội Nuôi cá Brazil yêu cầu đình chỉ ngay lập tức một số loại thuế đối với nhà sản xuất để giảm gánh nặng về giá. Thực hiện chính sách tín dụng cho nông dân cũng được Hiệp hội yêu cầu. Do niềm tin du lịch trên toàn cầu giảm, sản lượng cá rô phi Mexico sẽ giảm 80% vì sản lượng này chủ yếu nhắm vào lĩnh vực nhà hàng ở các khu du lịch.
Các nhà sản xuất và chế biến của Trung Quốc đã chứng kiến hoạt động chậm lại đáng kể trong thời gian tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 và ngay cả khi các hạn chế đã được nới lỏng, hoạt động thị trường vẫn giảm ở cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc đó, việc dỡ bỏ thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tương đương với một mức tăng lợi nhuận đáng kể đối với ngành công nghiệp Trung Quốc có thể làm dịu đi phần nào sự giảm sút này. Các nhà cung cấp thay thế khác như các nhà cung cấp Mỹ Latinh vẫn đang tập trung chủ yếu vào mặt hàng philê cá rô phi tươi, trong khi các đối thủ tiềm năng trong phân khúc đông lạnh do Trung Quốc thống trị, cũng thận trọng đầu tư mạnh.
Ngọc Thúy (theo FAO)