Nghệ An: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi (19-10-2018)

Trong thời gian từ ngày 09-11/10/2018, Chi cục Thủy sản Nghệ An phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT/Kinh tế các huyện, thành thị và UBND các xã/phường có diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tiến hành lấy mẫu giáp xác và mẫu nước ở sông, kênh cấp đại diện cho các vùng nuôi tôm, kiểm tra chỉ tiêu môi trường để cảnh báo sớm cho các hộ nuôi và có biện pháp xử lý, phòng ngừa trong sản xuất.
Nghệ An: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi
Ảnh minh họa

Kết quả kiểm tra cho thấy nước cấp tại các vùng nuôi Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh- huyện Quỳnh Lưu; Nghi Thái- huyện Nghi Lộc; Hưng Hòa- TP. Vinh có độ mặn nằm dưới ngưỡng cho phép; các điểm còn lại đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các thông số: pH, NH3, độ kiềm, Oxy hòa tan ở các điểm lấy mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép. Kết quả kiểm tra mầm bệnh ở các mẫu giáp xác: Có 2/12 mẫu nhiễm bệnh virut đốm trắng lấy tại sông Mai Giang- vùng nuôi Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân và sông Mai Giang- Quỳnh Lương; 10/12 mẫu còn lại không nhiễm bệnh. Có 1/4 mẫu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp lấy tại kênh nhà Lê- vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc; 3/4 mẫu còn lại không nhiễm bệnh. Riêng bệnh Taura cả 4/4 mẫu đều không nhiễm bệnh.

Hiện nay điều kiện thời tiết mưa phùn kèm theo gió lạnh gây biến động môi trường ao nuôi, tạo điều kiện  cho bệnh trên tôm nuôi phát triển. Do đó, Chi cục Thủy sản Nghệ An đề nghị phòng NN&PTNT/Kinh tế các huyện, thành thị; UBND các xã/phường; HTX; tổ cộng đồng các vùng nuôi tôm chỉ đạo các hộ nuôi triển khai thả nuôi đúng khung lịch mùa vụ mà ngành đã ban hành: Thời gian thả giống nuôi tôm Vụ Thu- Đông từ ngày 01/9-30/10/2018, mật độ 50-100 con/m2,  kích cỡ tôm giống P12. Hiện tại, nước cấp ở các vùng nuôi: Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Nghi Thái, Hưng Hòa có độ mặn xuống quá thấp so với ngưỡng cho phép; Kênh cấp vùng nuôi Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Lương nhiễm bệnh virut đốm trắng; Kênh cấp vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp do đó người nuôi không nên lấy nước từ ngoài vào, khi cần thiết thì lấy nước từ ao chứa lắng đã được xử lý đảm bảo.; Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để chủ động ứng phó với biến động của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Theo dõi, nắm bắt các kết quả quan trắc môi trường trong và ngoài vùng nuôi của các cơ quan chuyên môn để có biện pháp lấy nước, xử lý nước đảm bảo, tăng cường các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi; Tăng cường các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm như: Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao, đồng thời tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh và khoáng vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Rào lưới, rải vôi (CaCO3) xung quanh bờ ao; dụng cụ, thiết bị không được dùng chung giữa các ao nuôi và được tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt sử dụng; Mỗi cơ sở/hộ nuôi có kế hoạch trữ nước trong ao chứa, lắng để chủ động cấp nước khi cần thiết. Nước trong ao chứa, lắng phải được xử lý Chlorine nồng độ 30ppm, thời gian xử lý 7-10 ngày trước khi  cấp nước vào ao nuôi; Thực hiện khai báo, xử lý ao nuôi bị bệnh theo quy định. Tuyệt đối không dấu bệnh, không xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh cấp, kênh thải của vùng nuôi.

Xuân Điểm

Ý kiến bạn đọc

Tin khác