Quảng Nam: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước và dịch bệnh trên tôm nuôi và cá nuôi lồng (02-10-2018)

Trong tháng 9/2018, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tiến hành thu mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường nước và mầm bệnh tôm nuôi và cá nuôi lồng trên địa bàn tỉnh: Thu 04 mẫu nước sông, 02 mẫu nước biển, 07 mẫu nước ao nuôi tôm và 07 mẫu tôm nuôi; tiến hành thu 06 mẫu nước và 06 mẫu cá nuôi lồng.
Quảng Nam: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước và dịch bệnh trên tôm nuôi và cá nuôi lồng
Ảnh minh họa

Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tiến hành phân tích các mẫu nước và mẫu tôm nuôi thu được ở trên với các chỉ tiêu giám sát gồm các chỉ tiêu mầm bệnh như: Virut đốm trắng, vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng; các chỉ tiêu môi trường như:  Nhiệt độ, pH tầng mặt, độ mặn, độ kiềm, NH3, vi khuẩn vibrio trong nước. Đối với cá nuôi lồng: Kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh như nấm, ký sinh trùng; các chỉ tiêu môi trường như: Nhiệt độ, pH tầng mặt, NH4+, DO (ôxy hòa tan)

 Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung các yếu tố thủy lý, thủy hóa của mẫu nước biển, nước sông và nước ao nuôi tôm đều nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi phát triển; Trên mẫu tôm nuôi không phát hiện virut đốm trắng, vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng; Trên cá nuôi lồng không phát hiện nấm gây bệnh, có 3 -6 con trùng bánh xe/vùng kính kiểm tra và 5-8 con sán lá đơn chủ mang trên các mẫu cá được kiểm tra.

Hiện nay, tôm nuôi vùng triều  đang ở giai đoạn cuối vụ, thức ăn sử dụng tăng, kết hợp với ánh nắng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn vibrio phát triển. Mặt khác trong các mẫu nước được kiểm tra đều phát hiện có vi khuẩn vibrio, vi khuẩn này là một trong những tác nhân gây ra các loại bệnh như phân trắng, hoại tử gan tụy cấp….

Ngoài ra do thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng, đêm mưa rào, chênh lệch lớn về nhiệt độ môi trường, các loại khí độc như  N­­­H4+,H­2S , NH3 xuất hiện khiến cá nuôi bị sốc. Điều này làm cho sức đề kháng của cá giảm và là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Mặt khác trên mẫu cá được kiểm tra đều nhiễm ký sinh trùng và sán là đơn chủ.

Do đó để phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng ngừa dịch bệnh  tôm nuôi và cá nuôi lồng, Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến cáo người nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

Đối với người nuôi tôm:

- Thực hiện các biện  pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường nguồn nước cấp như: Quản lý chất thải nuôi tôm theo quy định, nước trong các ao sau thu hoạch, ao tôm bị nhiễm bệnh tuyệt đối không xả trực tiếp ra môi trường

- Duy trì mực nước ao nuôi từ 1,3-1,5 m, ổn định môi trường nước, đặc biệt là pH, khí độc, độ kiềm. Định kỳ xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Kiểm tra tôm thường xuyên, quan sát phản ứng, màu sắc đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của tôm nuôi và có hướng xử lý thích hợp

- Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn, chủ động giảm thức ăn khi thời tiết thay đổi (oi bức, mây mù, mưa gió…) để tránh dư thừa. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất vi lượng, men đường ruột vào thức ăn.

Đối với người nuôi cá lồng:

- Trong thời gian nuôi dưỡng phải theo dõi thường xuyên, kiểm tra hoạt động và tốc độ sinh trưởng của cá, để khi có phát hiện ra những thay đổi bất thường có biện pháp xử lý kịp thời.

- Định kỳ 10-15 ngày/lần kéo cá gom lại và tắm bằng dung dịch muối ăn (NaCl) nồng độ 2-3% trong thời gian 5-15 phút hoặc Sulphat đồng (CuSO4) nồng độ 3-5g/m3 trong thời gian 5-15 phút, có thể hòa Sulphat đồng phun trực tiếp xuống lồng với lồng độ 0,5-0,7g/l m3 nước để xử lý ký sinh trùng và sán lá đơn chủ bám vào cá nuôi.

- Thường xuyên vệ sinh lồng bè để đảm bảo lưu tốc lồng chảy; theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường nước.

- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi, bằng cách định kỳ 5-7 ngày bổ sung vitamin C liều lượng 5-10g/kg thức ăn.

Xuân Điểm

Ý kiến bạn đọc

Tin khác