Tỉnh Ninh Thuận có lợi thế đường bờ biển dài trên 105km, thời tiết thuận lợi nên rất có thế mạnh về sản xuất giống thủy sản; trong đó, chủ lực là tôm giống với tổng sản lượng chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cả nước. Ngoài ra, địa phương còn có tiềm năng về nuôi cá biển và các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có và cùng với xu thế phát triển mới hiện nay đối với ngành thủy sản theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là điều kiện để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng tôm giống, tiếp tục khẳng định uy tín cho nhãn hiệu sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”.
Theo Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030”, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con tôm giống/năm; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh; sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm; chủ động sản xuất được 60% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 80% tôm Sú bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035.
Đồng thời, tạo lập được vùng sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, đánh giá hiện trạng tự nhiên và ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt là tôm giống đạt tiêu chuẩn Quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Vùng sẽ được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khu xử lý nước thải và bố trí dải cây xanh để cách ly tránh ảnh hưởng cảnh quan các dự án giao thông đô thị xung quanh.
Thực hiện Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 01/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000), vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận tổ chức “Hội nghị công bố Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và Vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải, giai đoạn 2021-2030. Qua đó, để khẳng định rằng, các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ưu tiên đầu tư, phát triển và mở rộng. Đồng thời, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có định hướng kết nối, vào tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong các năm tới.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư và phát triển, số lượng cơ sở, doanh nghiệp và năng lực sản xuất ngày càng tăng. Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận có 606 ha ao đìa nuôi tôm với sản lượng gần 4.700 tấn. Hiện có 450 các cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng tôm giống sản xuất trong năm ước đạt hơn 40 tỷ con, đáp ứng khoảng 35% sản lượng tôm giống của cả nước; chất lượng và sản lượng tôm giống luôn đảm bảo, tôm giống được xem là đối tượng chủ lực, có ưu thế cạnh tranh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và được xem là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất của cả nước.
Thanh Thủy