Trước đó, ngày 24/3/2023, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2023. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đồng chủ trì Hội nghị. Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các ý kiến tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận:
Năm 2022, sản lượng tôm giống nước lợ của nước ta đạt 160,2 tỷ con, bằng 110% so với năm 2021, đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi, góp phần vào thành công của ngành tôm nước lợ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ từ Luật đến các văn bản hướng dẫn đã góp phần quản lý tốt hơn giống tôm nước lợ; đã hình thành được liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn hạn chế; số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng còn thấp (chiếm 55,3% tổng số cơ sở; khoảng 70% sản lượng tôm giống); năm 2023, theo dự báo ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...Vì vậy công tác quản lý chất lượng tôm giống cần tiếp tục được coi trọng để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 cao hơn năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tổng cục Thuỷ sản: Tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng giống thủy sản và các quy định có liên quan cho tổ chức, cá nhân; tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm (nếu có). Tiếp tục tăng cường quan trắc môi trường tại vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, kịp thời cảnh báo cho các cơ sở sản xuất để hạn chế rủi ro.
Tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giống tôm nước lợ; kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2023… Tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến quản lý giống tôm nước lợ theo phân công, phân cấp. Phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết luân phiên để đánh giá việc thực hiện hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ.
Cục Thú y: Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là trong khâu sản xuất, lưu thông tôm giống; thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống tôm nước lợ; tăng cường xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống và vùng nuôi tôm nước lợ đảm bảo an toàn dịch bệnh; có giải pháp kiểm soát hữu hiệu các bệnh dịch nguy hiểm trên tôm nước lợ như: Bệnh vi bào tử trùng (EHP); bệnh đốm trắng (WSD); bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi (AHPND)....
Rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ về việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường: Rà soát, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống tôm nước lợ theo hướng ưu tiên các nhóm tính trạng kháng bệnh - tăng trưởng nhanh. Đồng thời, đề xuất cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu hoặc liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh kết quả, sản phẩm vào sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất, ương dưỡng tôm giống đảm bảo chất lượng, giảm giá thành sản xuất, các mô hình sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn chất lượng theo xu thế của thị trường tiêu thụ.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố quản lý sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về sản xuất, lưu thông và sử dụng giống tôm nước lợ; tổ chức hướng dẫn, đăng ký cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở chưa được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản.
Các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống để chủ động cung cấp tôm giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu thả nuôi; ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí để thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản quy định. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định về sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2023,..
Các Hội, Hiệp hội ngành hàng có liên quan: Hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ và tham gia xây dựng định hướng chiến lược thúc đẩy hoạt động sản xuất; hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia sản xuất, kinh doanh; xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường đầu ra; tiếp tục nắm bắt, trao đổi thông tin việc kinh doanh giống tôm nước lợ, kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và PTNT để kịp thời xử lý.
Thanh Thủy