Hà Tĩnh: giải pháp phát triển giống thủy sản trên địa bàn tỉnh (07-07-2021)

Con giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của vụ nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, để tìm được nguồn giống chất lượng, khỏe mạnh, sạch bệnh đưa vào thả nuôi được bà con nuôi trồng thủy sản vô cùng quan tâm.
Hà Tĩnh: giải pháp phát triển giống thủy sản trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 05 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và các cơ sở ương giống cá cấp 2. Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm có 02 cơ sở là Trại sản xuất tôm giống của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận - Hà Tĩnh tại Cương Gián-Nghi Xuân và trại ương dưỡng giống tôm của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tuấn Linh ở Kỳ Trinh –TX Kỳ Anh.  Về sản xuất giống nước ngọt: Toàn tỉnh có 03 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá nước ngọt quy mô lớn, bao gồm trại cá Đức Long tại Tân Dân –Đức Thọ, trại cá Tiến Lộc – Thị trấn Nghèn - Can Lộc, Hợp tác xã Sản xuất Nông nghiệp và Thủy sản Lộc Hà tại xã Ích Hậu –huyện Lộc Hà và một số cơ sở ương giống cấp 2 của 13 huyện, thị, thành phố. Sản lượng giống sản xuất ương dưỡng hàng năm đáp ứng nhu cầu con giống thả nuôi trong tỉnh và xuất bán ra ngoại tỉnh.  

Năm 2020, số lượng giống sản xuất và ương dưỡng trên địa bàn đạt 518 triệu con giống trong đó giống tôm 480 triệu con và giống cá  38 triệu con.  6 tháng đầu năm 2021,  sản lượng tôm giống đạt 295 triệu con giống, cá giống đạt 31 triệu con.  Tuy nhiên trong những năm qua, bà con nuôi tôm trong toàn tỉnh chỉ thả nuôi nguồn giống tôm sản xuất, ương dưỡng trong tỉnh khoảng 60-80 triệu tôm giống (chiếm 15-16% nhu cầu tôm giống toàn tỉnh ), số giống còn lại được nhập từ các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... Giống cá nước ngọt cơ bản đáp ứng nhu cầu người nuôi. Giống nhuyễn thể (chủ yếu giống ngao)  hầu hết thu mua từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa,…Năm 2020, trên địa bàn có mô hình thử nghiệm sản xuất ngao giống của HTX NTTS Hùng Thuận, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà với quy mô 1,5ha bước đầu đem lại kết quả khả quan, mở ra triển vọng tạo ra nguồn giống chủ động, chất lượng phục vụ bà con thả nuôi.

Thời gian qua, để tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, ương dưỡng và thả nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan quản lý đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý chất lượng giống Thủy sản như: Văn bản giới thiệu một số đơn vị cung ứng tôm thẻ chân trắng, hướng dẫn khung lịch thời vụ thả giống NTTS năm 2021; văn bản triển khai thực hiện đề án nuôi trồng thủy sản năm 2021; Văn bản triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm và tăng cường chỉ đạo phát triển nuôi tôm nước lợ,...

Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý con giống thủy sản cho các cơ sở sản xuất ương dưỡng giống, cơ sở nuôi trên địa bàn toàn tỉnh được tăng cường, đặc biệt là các quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, chất lượng tôm giống trên địa bàn Hà Tĩnh.

Vì vậy, trong những năm qua, chất lượng con giống thả nuôi trên địa bàn được kiểm soát một cách chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch. Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và cơ sở nuôi đều phải thông báo với cơ quan quản lý địa phương trước khi đưa giống về sinh sản, ương dưỡng, thả nuôi để kiểm soát chất lượng và thực hiện biện pháp phòng bệnh theo quy định.

          Các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về giống thủy sản trên địa bàn trong thời gian tới để đảm bảo cung ứng con giống thủy sản có chất lượng đưa vào thả nuôi:

- Thực hiện tốt việc quản lý giống thuỷ sản theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch theo Đề án nuôi trồng thuỷ sản và khung lịch thời vụ thả giống nuôi trồng thủy sản năm 2021.

-  Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống thả nuôi  trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền tập huấn các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh giống thủy sản đến tận các hộ sản xuất, kinh doanh và người nuôi trồng thuỷ sản.

- Chỉ đạo triển khai tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình tiến tiến vào sản xuất giống và sử dụng giống mới, an toàn dịch bệnh cho sản xuất.

- Tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm trên địa bàn nhằm cung ứng nguồn giống đảm bảo về số lượng và chất lượng phục vụ thả nuôi.  Khảo sát, cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống tôm đảm bảo chất lượng  để người dân biết, lựa chọn.

- Tổ chức tốt sản xuất giống cá nước ngọt truyền thống và các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại trại Đức Long, Tiến Lộc, Hợp tác xã Sản xuất Nông nghiệp và Thuỷ sản Lộc Hà phục vụ kịp thời nhu cầu nuôi của nhân dân trong tỉnh và xuất bán đi ngoài tỉnh. Tiếp tục phát triển hệ thống ương giống thủy sản nước ngọt cấp 2, cấp 3 trên toàn tỉnh phục vụ kịp thời nhu cầu thả nuôi của bà con.

Trần Hương –Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác