Sau hơn 02 năm áp dụng thi hành Nghi định số 42/2019/NĐ-CP (Nghị định 42) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã mang lại kết đáng nghi nhận trong việc kiểm soát quản lý trên tất cả lĩnh vực trong ngành thủy sản từ quản lý về giống thủy sản; nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản; lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải một số khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: mức phạt cuả một số hành vi quy định tại Nghị định này còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; một số hành vi còn thiếu cần phải quy định; cần bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản để đảm bảo các hành vi này được phát hiện và kịp thời xử lý theo quy định đặc biệt là các hành vi khai thác bất hợp pháp.
Để giải quyết được những tồn tại và hạn chế trên, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện và lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về giống thủy sản, sản xuất thức ăn
Đối với quy định về sản xuất, ương dưỡng, khảo nghiệm giống thủy sản: Dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 10, Nghị định 42 với nội dung được sửa đổi như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối hành vi không duy trì điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ theo quy định, có hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 đến 06 tháng.
Về quy định về gửi thông tin sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường, Dự thảo lần này bổ sung thêm Khoản 3, Điều 13 Nghị định 42 với nội dung như sau:
Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất của tổ chức/cá nhân khác khi chưa có văn bản chấp thuận bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi cập nhật thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn đã công bố áp dụng dưới 3 sản phẩm;
b) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cập nhật thông tin từ 3 sản phẩm đến dưới 5 sản phẩm;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chưa gửi cập nhật từ 5 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chưa cập nhật tin từ 10 sản phẩm trở lên.”
Đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Dự thảo bổ sung thêm khoản 3, Điều 14 Nghị định 42 với nội dung được bổ sung như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện (đề xuất phạt gấp 02 lần nếu tái phạm).
Văn Thọ