Bình Định: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2025 (17-01-2025)

Nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, chú trọng phòng bệnh, kiểm soát dịch đến tận cơ sở chăn nuôi, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bình Định: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2025
Ảnh minh họa

Mục đích của kế hoạch là chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phương châm lấy phòng bệnh là chính, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi xảy ra dịch bệnh; tạo điều kiện để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chế biến, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, kế hoạch còn hướng đến mục đích phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ theo quy hoạch, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và từng bước giảm chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ; đồng thời nâng cao chất lượng con giống, duy trì, bảo tồn và phát triển các giống bản địa trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới hình thành vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước, đảm bảo sức khỏe người dân và hướng tới xuất khẩu.

Kế hoạch đề các 08 nội dung và giải pháp cụ thể về: (1) Tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (2) điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, tổ chức chống dịch; (3) vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; (4) quản lý công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y; (5) quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; (6) xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; (7) thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; (8) công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh động vật đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trên lĩnh vực thủy sản, trong năm 2024, diện tích dịch bệnh thủy sản gồm: 2,11 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) tại Hoài Nhơn, Phù Cát; 30 lồng nuôi cá lăng nha bị bệnh do vi khuẩn Aeromonas spp tại hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh và xảy ra trên cá chép tại đầm Trà Ổ nhiễm bệnh Koi Herpesvirus. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, trở lạnh vào những tháng đầu năm, làm suy giảm sức đề kháng kết hợp mầm bệnh còn tồn tại từ môi trường nuôi, làm phát sinh dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh thủy sản duy trì không chế.

Theo kế hoạch trong công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh, riêng với đối với dịch bệnh Thủy sản cụ thể là bệnh đốm trắng trên tôm và một số dịch bệnh nguy hiểm khác trên thủy sản nuôi thì cần chủ động trong công tác phòng bệnh, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát tại cơ sở nuôi, vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trên động vật thủy sản nuôi và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật thủy sản.

Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý ao nuôi theo quy chuẩn; tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch, áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi,...

Bên cạnh đó, giám sát chủ động định kỳ, phát hiện bệnh sớm dịch bệnh ở thủy sản nuôi nhằm phát hiện, khuyến cáo, hướng dẫn cán bộ địa phương chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thiệt hại xảy ra. Định kỳ kiểm tra 04 lần/tháng/5 huyện, thị xã, thành phố có nuôi trồng thủy sản.

Khi tiếp nhận được thông tin từ địa phương hoặc người nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra thu thập mẫu các ao nuôi báo bệnh nhằm phát hiện nguyên nhân, hướng dẫn biện pháp phòng, trị, xử lý bệnh phù hợp, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Thực hiện tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản và Thông tư số 12/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT và Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2030.

Yêu cầu đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thực hiện phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ theo quy hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động toàn dân chủ động tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát chăn nuôi, môi trường nuôi trồng thủy sản, giết mổ an toàn.

Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý chăn nuôi, giết mổ và giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh động vật; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác