Quảng Ninh: Chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản (09-08-2024)

Nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho nhiều hộ dân tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện môi trường, thời tiết.
Quảng Ninh: Chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản
Ảnh minh họa

Để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, việc chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương, ngành chức năng và hộ nuôi tại tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện. Môi trường nuôi trồng thủy sản hiện đang bị suy thoái và có nhiều nguy cơ khó kiểm soát. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp. Cùng với đó là hoạt động nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 6 tháng đầu năm 2024, bệnh trên thủy sản đã phát sinh tại các vùng nuôi tập trung, chủ yếu tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh như: Móng Cái, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà. Chi cục đã tiến hành thu mẫu giám sát, kết quả giám sát chủ động có 89/419 mẫu (chiếm 21,24%) bị vi bào tử trùng (EHP), 37/419 mẫu (chiếm 8,83%) bị đốm trắng, 29/419 mẫu (chiếm 6,9%) bị hoại tử gan tụy, 1/419 mẫu bị hoại tử cơ quan tạo máu. Kết quả giám sát bị động có 4/36 mẫu bị hoại tử gan tụy, 11/36 mẫu bị đốm trắng, 17/36 mẫu bị vi bào tử trùng; 2/12 mẫu cá biển bị bệnh VNN.

Nhằm thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi, giúp người nuôi chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững, công tác quan trắc môi trường đã được tăng cường thực hiện. Ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tổ chức thu, phân tích mẫu môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, đồng thời chủ động thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể được quy hoạch tập trung với tần suất 1 lần/tháng vào các tháng 4, 5, 7, 10, 11 và tần suất 2 lần/tháng vào các tháng 6, 8, 9. Công tác quan trắc được thực hiện tại 18 vùng nuôi thuộc 9 địa phương. Với các vùng thu mẫu gồm, vùng nuôi tôm: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Uông Bí; vùng nuôi cá biển, nhuyễn thể: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả và vùng nuôi cá nước ngọt: Uông Bí, Đông Triều.

Việc quan trắc sẽ kiểm tra các nhóm thông số: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, NH4+, COD, H2S, NH3, vi khuẩn Vibrio tổng số, thực vật phù du tảo độc… Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản ban hành định kỳ các thông báo hằng tháng khuyến cáo các địa phương và các cơ sở nuôi trồng thủy sản kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường nguồn cấp và phối hợp kiểm tra định kỳ chất lượng nước và môi trường vùng nuôi để có các biện pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị tốt cho mùa vụ nuôi đạt hiệu quả cao. Qua quan trắc, Chi cục khuyến cáo, hiện nay thời tiết có nhiều biến động với các hiện tượng mưa lớn và nắng nóng đan xen, các hộ nuôi cần chuẩn bị sẵn các phương án tích trữ nguồn nước phù hợp để xử lý khi cần thiết; gia cố bờ ao, lồng nuôi để tránh thất thoát vật nuôi; thu hoạch khi đối tượng nuôi đạt kích thước thương phẩm để tránh rủi ro.

Ngọc Thúy (theo Quảng Ninh Portal)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác