Lạng Sơn là tỉnh miền núi nhưng tận dụng hệ thống sông, suối, mặt nước các hồ chứa thủy lợi nên đã duy trì, phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong năm 2023, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.210 ha, giảm 5,3% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 1.955 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 227,29 tấn, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác cá là 1.332,61 tấn, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng cá lồng đạt 543 lồng, tăng 4,23% so với cùng kỳ. Cung ứng khoảng 1.022.000 con cá giống các loại trắm, chép, mè, trôi…
Về dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 cũng có chiều hướng giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, các ổ dịch vẫn xảy ra nhỏ lẻ … Đối với thủy sản không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Năm 2024, dự báo diễn biến thời tiết khó lường do biến đổi khí hậu làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhiều dịch bệnh mới phát sinh trên đàn gia súc gia cầm, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Do đó, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi.
Phương châm phòng bệnh là chính
Tỉnh đã đưa ra kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật, đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững,..
Bên cạnh đó, cụ thể hóa các nội dung, biện pháp chuyên môn và thực hiện nghiêm trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản; xây dựng các phương án, nguồn lực, vật tư, kinh phí để chủ động xử lý, khi phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Dịch chưa xảy ra
Theo Kế hoạch, khi chưa có dịch xảy ra, trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh động vật cho người dân thông qua các hệ thống phương tiện thông tin đại chúng: Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi...; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để người dân được biết và chủ động các biện pháp phòng, chống, nhất là đối với các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học,..
Giám sát dịch bệnh trên động vật, phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường như: phát động trên địa bàn toàn tỉnh các đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc đặc biệt khi có ổ dịch phát sinh; các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động mua hóa chất, thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan thú y; chuẩn bị vật tư hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp phát thành 02 đợt chính và cấp phát khẩn cấp khi có dịch xảy ra, để các địa phương thực hiện và giám sát sử dụng đảm bảo hiệu quả cao.
Tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản giống, không để động vật thuỷ sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thủy sản giống lưu thông ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định. Các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch giống thủy sản bố, mẹ với cơ quan thú y không quá 02 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống và phải thực hiện việc kiểm dịch con giống trước khi xuất bán; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; chế độ báo cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Khi dịch xảy ra
Đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm cần thực hiện quản lý ổ dịch, vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm xác định nhanh, chính xác mầm bệnh và có giải pháp khống chế phù hợp; vệ sinh tiêu độc khử trùng, điều tra mở rộng, tăng cường giám sát phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, thành lập chốt trạm kiểm dịch tạm thời, xử lý gia súc, gia cầm bị bệnh dịch theo quy định, công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định tại Luật Thú y.
Đối với dịch bệnh thủy sản, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định bệnh. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng bao vây, khống chế ổ dịch theo quy định; tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, sử dụng các biện pháp phòng là chính; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra, phân tích nguy cơ và khống chế dịch bệnh; duy trì vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi trồng thủy sản và công bố dịch và hết dịch theo quy định.
Thanh Thủy