Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh động vật và thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan diện rộng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sát trùng, vắc xin, nhân lực và phương án xử lý tình huống nếu có sự cố xảy ra; cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân và huy động các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người,..
Riêng đối với dịch bệnh thủy sản: Áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định; mùa vụ thả giống, chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc (VietGAP, GlobalGAP...); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành Thú y; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý theo quy định động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi. Chủ động các biện pháp phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh; phòng, chống kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản.
Về giám sát chủ động: Công tác giám sát thực hiện chủ yếu với thủy sản nuôi như: Cá Lăng, cá Rô phi đơn tính, cá Riêu hồng, cá Chép, cá Trắm cỏ... tại các cơ sở sản xuất, khu ương nuôi giống, khu nuôi tập trung, các khu vực nuôi cá lồng, bè (2 lần/năm). Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên cá: Bệnh do vi rút; bệnh do vi khuẩn (Aeromonas, Pneudomonas, Streptococcus, bệnh nấm nước ngọt, ký sinh trùng., trên cá Chép, Trắm cỏ, Rô phi đơn tính… 2 lần/năm).
Giám sát bị động: Thực hiện kiểm tra, giám sát khi có thông tin dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm xác định bệnh hỗ trợ công tác chẩn đoán, báo cáo diễn biến dịch bệnh và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh.
Các biện pháp chống dịch, xử lý ổ dịch: Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân có trách nhiệm báo cho các cơ quan chuyên môn để được tư vấn, lấy mẫu gửi xét nghiệm chẩn đoán xác minh dịch bệnh. Đồng thời phải chấp hành các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong quá trình xử lý ổ dịch bệnh thủy sản theo quy định.
Cách ly, di chuyển (đối với thủy sản nuôi lồng, bè) động vật thủy sản mẫn cảm với mầm bệnh, hạn chế các tác nhân làm lây lan dịch bệnh, sử dụng các loại hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường vùng, ao, hồ nuôi, phương tiện, dụng cụ nuôi, nước thải, chất thải,... và áp dụng các biện pháp vệ sinh cần thiết khác để xử lý ổ dịch và thủy sản nhiễm bệnh, chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong vùng dịch phải thực hiện theo hướng dẫn và có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Ngoài ra, tiến hành thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác theo quy định.
Chữa bệnh đối với thủy sản bị mắc bệnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phối hợp với địa phương xác định bệnh, đề xuất phác đồ điều trị và báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh thủy sản trong quá trình điều trị; tiêu hủy đối với thủy sản theo quy trình, hướng dẫn và có sự giám sát theo quy định.
Bên cạnh đó, tiến hành khử trùng nguồn nước ao nuôi, môi trường nuôi, dụng cụ, lồng, bè nuôi, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và bảo đảm vệ sinh môi trường. Những người tham gia chống dịch phải thực hiện mang bảo hộ, vệ sinh cá nhân để hạn chế phát tán mầm bệnh ra môi trường và cơ sở nuôi khác.
Tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc; thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý người hành nghề thú y và buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và sản xuất con giống vật nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Thanh Thủy