Về tình hình chung trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. Ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh, đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, không lây lan rộng.
Đối với lĩnh vực thủy sản, để có phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, UBND tỉnh đã thống kê tình hình dịch bệnh thủy sản như sau: (1) Bệnh đốm trắng (WSD) trên tôm thẻ chân trắng xảy ra ở các địa phương: Cẩm An, Cẩm Thanh (thành phố Hội An), Duy Thành, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), Bình Hải, Bình Giang (huyện Thăng Bình); diện tích bị bệnh là 20,8 ha. (2) Bệnh hoại tử gan tụy (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng xảy ra ở các địa phương: Tam Giang, Tam Hòa (huyện Núi Thành), Tam Phú, Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ), Duy Thành (huyện Duy Xuyên), Bình Nam (huyện Thăng Bình); diện tích bị bệnh là 21,8 ha. (3) Bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm thẻ chân trắng xảy ra tại xã Duy Thành huyện Duy Xuyên; diện tích bị bệnh là 1 ha. (4) Bệnh do biến đổi môi trường trên tôm: Diện tích tôm bị bệnh do biến đổi môi trường là 145,81 ha, xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. (5) Diện tích cá bị nhiễm khuẩn do streptococcus là 4 ha, nhiễm khuẩn do Aeromonas là 5 ha, diện tích cá chết do môi trường 3 ha.
Với “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024" mới được ban hành, ngay từ bây giờ, tỉnh Quảng Nam đã chủ động các phương án ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo cho ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh; Trong quá trình tổ chức thực hiện có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Quản lý chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, kinh doanh trên địa bàn; đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật và Kế hoạch 2024 mới được ban hành.
Tổ chức, chỉ đạo triển khai Kế hoạch
UBND tỉnh Quảng Nam đã phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh hướng dẫn, giám sát Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh là đơn vị thường trực, trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; tham mưu xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thú y (bao gồm cả thú y trên cạn và thú y thủy sản).
Các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo các nội dung, kế hoạch, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: quản lý sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất và kiểm tra, đánh giá các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, hoạt động buôn bán thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong thú y của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Khi có dịch bệnh xảy ra, tỉnh Quảng Nam sẽ nhanh chóng tiến hành điều tra ổ dịch, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêm phòng khẩn cấp (đối với các loại dịch bệnh có vắc xin tiêm phòng) và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Luật Thú y, các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT (về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn) và “Kế hoạch Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm ở thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2030”.
Toàn tỉnh định kỳ thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở kinh doanh, mua bán, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, phương tiện vận chuyển... Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khi có phát sinh ổ dịch. Ngoài nguồn hóa chất hỗ trợ của Nhà nước, vận động người nuôi thường xuyên mua vôi, hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Đặc biệt là, thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; giống thủy sản; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm, động vật thủy sản lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán chưa qua kiểm dịch thú y.
Thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn
Tỉnh Quảng Nam luôn đề cao công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn. Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản; vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện tuyên truyền thường xuyên trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam, hệ thống Đài Phát thanh xã, phường, thị trấn để nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…
Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn quản lý theo phân công, phân cấp quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giám sát và xử lý môi trường tại các khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu vực chôn lấp, tiêu huỷ động vật mắc bệnh chết theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản: Tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị ao nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi; chỉ được phép sử dụng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.
Mặt khác, thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn, quy định của các cơ quan chức năng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát. Chấp hành sự kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc thì có văn bản phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để được hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu các văn bản pháp luật, quy định viện dẫn trong Kế hoạch này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản mới.
Ngọc Thúy - FICen