Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc tổ chức thực hiện phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phải tuân theo quy định của của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y. Tổ chức thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (bằng nhiều hình thức) đến tận thôn, xóm, cơ sở chăn nuôi hộ gia đình; đảm bảo hiệu quả, không để lãng phí các nguồn lực đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai sẽ thường xuyên thực hiện quan trắc, cảnh báo phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản. Kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; lấy mẫu, phân tích, kháng sinh đồ đối với các vi khuẩn: Steptococus, Aeromonas, Edwardsiella và nấm trên cá hồi, cá tầm, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi... thực hiện quan trắc môi trường, phân tích, xét nghiệm cảnh báo dịch bệnh; dự phòng hóa chất khi dịch bệnh xảy ra hoặc thiên tai bão lũ.
Về thẩm quyền công bố dịch/công bố hết dịch: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công bố dịch và công bố hết dịch bệnh trên cạn thuộc phạm vi huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố dịch và công bố hết dịch trên cạn và động vật thủy sản (phạm vi từ 02 huyện trở lên); trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cùng cấp và các điều kiện quy định tại Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNN và hướng dẫn của Cục Thú y.
Đảm bảo khống chế, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; đảm bảo khống chế, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh động vật. Khi có dịch bệnh hoặc nguy cơ cao dịch, bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ có phương án đề xuất mua sắm vật tư bảo hộ, hóa chất; trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông để hướng dẫn, thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.
Sở Tài chính: chủ trì thẩm định kinh phí thuộc trách nhiệm bố trí của ngân sách tỉnh; thẩm định kinh phí mua vật tư, thiết bị, bảo hộ, hóa chất phục vụ công tác phòng dịch (khi chưa có dịch bệnh), chống dịch gia súc, gia cầm, thủy sản (khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh) trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan (gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai) và UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.
Theo “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản năm 2023”, toàn tỉnh sẽ tiến hành triển khai thực hiện tốt các công tác phòng dịch khi chưa có dịch bệnh xảy ra cũng như khi dịch bệnh đã xảy ra: điều tra dịch tễ, xác định vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh; tuyên truyền, tập huấn; giám sát dịch bệnh; quản lý hoạt động buôn bán thuốc thú y; xử lý ổ dịch; thành lập các Tổ, Chốt kiểm soát tạm thời; kiểm soát biên giới...
UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các tổ chức, đoàn thể, chính trị xã hội chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng chống dịch trong cộng đồng. Tham gia giám sát các nguồn kinh phí được ngân sách hỗ trợ cho phòng, chống dịch để tránh thất thoát, lãng phí đảm bảo khống chế, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Ngọc Thúy - FICen