Thủy sản Thái Bình: Phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, hiệu quả (15-12-2022)

Trong tháng 11/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2023.
Thủy sản Thái Bình: Phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, hiệu quả
Ảnh minh họa

Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp và của cả cộng đồng; phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của các cấp, các ngành và người nuôi thủy sản.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ và người nuôi thủy sản về công tác thú y thủy sản (nhất là năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản); tăng cường và củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh động vật thủy sản từ tỉnh tới cơ sở.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở thủy sản để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm phát triển ổn định và bền vững nuôi trồng thủy sản của tỉnh; Đặc biệt, phát hiện sớm và xử lý nhanh gọn, kịp thời các loại dịch bệnh ở động vật thủy sản, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Giám sát lâm sàng: Người nuôi thủy sản có trách nhiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện và báo cáo kịp thời thủy sản bị bệnh, bị chết và có các biện pháp xử lý theo quy định. Về phía Chi Cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra (hoặc khi môi trường biến động bất thường).

Giám sát chủ động: Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo Dự toán kinh phí hàng năm của Chi cục Thủy sản; Kiểm tra mầm bệnh lưu hành trên động vật thủy sản: Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác minh mầm bệnh lưu hành khi môi trường biến động và có dấu hiệu dịch bệnh nguy hiểm ở động vật thủy sản để đánh giá nguy cơ bùng phát dịch; kịp thời cảnh báo nguy cơ bệnh dịch lây lan, hướng dẫn các biện pháp xử lý, khoanh vùng

Đối với tôm: Giám sát bệnh đốm trắng do vi rút, bệnh hoại tử gan tụy cấp; Đối với cá: Kiểm tra bệnh hoại tử thần kinh ở ở cá song (cá mú), cá vược (cá chẽm); Đối với ngao: Thực hiện các chỉ tiêu về quan trắc môi trường theo quy định của Luật Thú y và Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Năm 2023, Thái Bình sẽ thực hiện báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản theo các chế độ: Báo cáo đột xuất ổ dịch; báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch; báo cáo kết thúc ổ dịch; báo cáo điều tra ổ dịch; báo cáo bệnh mới; báo cáo định kỳ và báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, thông báo kết quả xét nghiệm đến chính quyền địa phương, người nuôi trồng thủy sản, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, xử lý dịch bệnh.

Phát hiện sớm; xử lý nhanh gọn, kịp thời các loại dịch bệnh thủy sản

Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh, chết nhiều không rõ nguyên nhân hoặc chết do môi trường, do thời tiết có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng (gây chết nhiều động vật thủy sản), chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, nhân viên thú y xã báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kịp thời tổ chức chống dịch.

Theo kế hoạch, công tác điều tra ổ dịch phải được thực hiện trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin động vật thủy sản chết, có dấu hiệu mắc bệnh. Điều tra ổ dịch chỉ được thực hiện đối với ổ dịch bệnh mới xuất hiện; ổ dịch bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch xảy ra ở phạm vi rộng, làm chết nhiều động vật thủy sản. Thông tin về ổ dịch phải được thu thập chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Điều tra và cập nhật thông tin về ổ dịch tại cơ sở có động vật thủy sản mắc bệnh, bao gồm: Kiểm tra, đối chiếu với những thông tin được báo cáo trước đó; các chỉ tiêu, biến động môi trường (nếu có); kiểm tra lâm sàng, số lượng, loài, lứa tuổi, ngày phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh; diện tích (hoặc số lượng) động vật thủy sản mắc bệnh, độ sâu mực nước nuôi, diện tích (hoặc số lượng) thả nuôi; thức ăn, thuốc, hóa chất đã được sử dụng; hình thức nuôi, quan sát diễn biến tại nơi có dịch bệnh động vật thủy sản.

Nhân viên thú y xã có trách nhiệm đến cơ sở nuôi có động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh để xác minh thông tin; đồng thời báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định. Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai điều tra ổ dịch; cử cán bộ đến cơ sở nuôi có động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh để hướng dẫn xử lý.

Kết luận về các ổ dịch tiếp theo được dựa vào dấu hiệu lâm sàng của động vật thủy sản mắc bệnh, môi trường nước nuôi. Trường hợp các ổ dịch tiếp theo có động vật thủy sản mắc bệnh với triệu chứng, bệnh tích lâm sàng không giống với bệnh đã được xác định thì tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm xác định mầm bệnh.

Xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản: Thực hiện theo các quy định của Luật Thú y; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đối với một số bệnh động vật thủy sản nguy hiểm (theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chủ cơ sở nuôi thực hiện xử lý động vật thủy sản mắc bệnh bằng một trong các hình thức sau: (1) Thu hoạch động vật thủy sản mắc bệnh: Thực hiện đối với động vật thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác; (2) Chữa bệnh động vật thủy sản: Thực hiện đối với động vật thủy sản mắc bệnh được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị động vật thủy sản mắc bệnh; (3) Tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh: Thực hiện đối với động vật thủy sản mắc bệnh không thuộc 2 đối tượng trên.

Công bố dịch, tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch bệnh động vật thủy sản của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố dịch bệnh động vật thủy sản.

Động vật thủy sản chỉ được phép vận chuyển ra ngoài vùng có dịch sau khi đã xử lý theo đúng hướng dẫn và có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đối với trường hợp vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Hạn chế vận chuyển qua vùng có dịch giống thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đang công bố.

Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về dịch bệnh thủy sản: Tăng cường tuyên truyền qua Đài Phát thanh, Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh, Truyền hình cấp huyện, xã, hội nghị, hội thảo,… các quy định của pháp luật về nuôi, phòng chống dịch bệnh, yêu cầu chất lượng sản phẩm, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên ngành thú y, nuôi trồng thủy sản.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác