Chủ động giám sát dịch bệnh cá tra tại cơ sở (02-03-2022)

Từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 14 ha cá tra nuôi bị mắc bệnh tại các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp. Để chủ động trước các yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như đảm bảo nuôi cá tra mang tính bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề nghị các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở.
Chủ động giám sát dịch bệnh cá tra tại cơ sở
Ảnh minh họa

Năm 2021, dịch bệnh trên cá tra đã xảy ra tại 35 xã của 16 huyện của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp với tổng diện tích bị thiệt hại là 500,1 ha. Ngoài ra còn một diện tích nhỏ (7,1 ha) cá tra bị thiệt hại do các yếu tố môi trường, thời tiết. So với cùng kỳ năm 2020, diện tích cá tra bị mắc bệnh giảm 65%. Dự báo trong thời gian tới diện tích cá tra nuôi bị mắc bệnh có thể sẽ tiếp tục giảm và xuất hiện trong phạm vị hẹp.

Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu lớn của thị trường, giá thu mua cá tra cao nên một số cơ sở nuôi có thể mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng kéo dài, mưa lũ, bão lụt, xâm nhập mặn... làm môi trường nuôi bị thay đổi nhanh, tác động xấu đến sức khỏe cá nuôi, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

Nhằm triển khai phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, Cục Thú y đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chủ trì, rà soát việc tổ chức xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 (trong đó có cá tra) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y. Báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực (kinh phí, hóa chất khử trùng...) để chủ động hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh.

Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm túc các quy định về báo cáo định kỳ/ đột xuất tình hình dịch bệnh thủy sản cho cơ quan thú y theo đúng quy định, bảo đảm thông tin đầy đủ, số liệu chính xác để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo dịch và chỉ đạo điều hành.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y các địa phương chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường, đảm bảo đồng bộ để phục vụ sản xuất tốt hơn, tăng hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Trên thế giới hiện nay ngày càng nhiều quốc gia sử dụng quyền của mình theo quy định quốc tế về giám sát dịch bệnh để tạo các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong khi đó, các cơ sở nuôi không thực hiện việc xây dựng và triển khai chương trình giám sát tại cơ sở theo đúng yêu cầu của thế giới sẽ tiềm ẩn nguy cơ các nước cấm nhập khẩu sản phẩm. Điều này cũng đã từng xảy ra với sản phẩm tôm nuôi nước lợ của Việt Nam.

Do vậy, để chủ động trước các yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như đảm bảo nuôi cá tra mang tính bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Cục Thú y đề nghị các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở. Các cơ sở sản xuất cá tra giống xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Ngoài ra, các cơ sở nuôi cá tra cần thực hiện nghiêm túc các quy định về việc: khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; Chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh cho cá tra.

Ngọc Thúy (theo dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác