Phú Yên: Phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản 2019-2020 (04-03-2020)

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh Phú Yên đã tổng kết công tác năm 2019 và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2020.
Phú Yên: Phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản 2019-2020
Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Phú Yên có diện tích thủy sản nước lợ mặn thả nuôi khoảng 2.230ha; Trong đó, diện tích nuôi tôm 1.937ha (Đông Hòa 1.012ha, Tuy An 655ha, Sông Cầu 270ha), các đối tượng thủy sản khác 293ha. Đối với nuôi lồng bè, đã thả nuôi khoảng 115.206 lồng; Trong đó, tôm hùm 111.448 lồng (Sông Cầu 100.493 lồng, Tuy An 10.955 lồng), cá biển 3.758 lồng.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã xảy ra rải rác tại các vùng nuôi tôm nước lợ. Đến tháng 10/2019, diện tích tôm nuôi bị bệnh 56,45ha, chiếm xấp xỉ 3% tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ, giảm hơn 10% so với diện tích tôm nuôi bị bệnh cùng kỳ năm 2018. Các loại bệnh xảy ra chủ yếu là hoại tử gan tụy cấp (29,3ha), đốm trắng (6,15ha), do môi trường (21ha).

Đối với tôm hùm nuôi tại xã An Hải bị bệnh đen mang, chết rải rác. Ước tính tỷ lệ tôm hùm chết khoảng 18% (5.612 con/162 lồng/tổng số 30.965 con); tôm hùm nuôi tại xã Xuân Phương bị chết do môi trường (90 lồng). Ước tính tổng số tôm chết khoảng 1.800 con tôm bông thương phẩm, 10.800 con tôm bông ương, 360 con tôm hùm xanh thương phẩm.

 

Dịch bệnh cũng xảy ra với các đối tượng thủy sản khác như ốc hương nuôi ao tại xã Xuân Cảnh, bị bệnh sưng vòi, diện tích ốc mắc bệnh khoảng 1ha. Cá mú nuôi lồng tại xã An Ninh Đông bị bệnh do virus RSIV (78 lồng); Số cá chết ước tính 10.725 con/tổng số 130.620 con (chiếm khoảng 8%); Kích cỡ cá bệnh 30-50 g/con. Cá chẽm, cá mú, cá hồng nuôi lồng tại xã An Hải bị bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio paraheamolyticus 34 lồng; Số cá chết ước tính 1.625 con/tổng số 18.805 con (chiếm khoảng 9%); Kích cỡ cá bệnh 300-500 g/con.

Công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản

Năm 2019, đứng trước tình hình dịch bệnh diễn ra tại nhiều đối tượng thủy sản như vậy, tỉnh Phú Yên đã tích cực công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể là: Đã tích cực kiểm tra, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi (nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng) để kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh, tránh lây lan. Định kỳ 1-2 lần/tháng thu mẫu giám sát dịch bệnh trên tôm, thông báo tình hình dịch bệnh đến địa phương và hộ nuôi để cảnh báo sớm tình hình dịch cho người nuôi, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.

Tổng số mẫu tôm nước lợ, tôm hùm lấy xét nghiệm, giám sát dịch bệnh định kỳ là 343 mẫu (bệnh AHPND 59 mẫu, WSSV 59 mẫu, YHV 41mẫu, IMNV 41 mẫu, TSV 41 mẫu, IHHNV 41 mẫu, EHP 41 mẫu, bệnh sữa tôm hùm 20 mẫu). Kết quả, đã phát hiện mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh: Hoại tử gan tụy cấp 7/59 mẫu, hoại tử cơ quan tạo máu 13/41 mẫu, đốm trắng 2/59 mẫu, vi bào tử trùng 5/41 mẫu, bệnh sữa 8/20 mẫu.

Kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh và hướng dẫn điều trị bệnh. Sau khi lấy 02 mẫu tôm hùm bệnh để xét nghiệm bệnh sữa, kết quả âm tính; lấy 01 mẫu cá mú xét nghiệm, kết quả xác định cá bị bệnh do virus RSIV và bội nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh; lấy 01 mẫu cá chẽm xét nghiệm, kết quả xác định cá bị nhiễm khuẩn do Vibrio paraheamolyticus. Ngành chức năng đã kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh. Nhờ đó, đã giảm thiệt hại cho người nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng tích cực kiểm tra, hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý mầm bệnh tại ao hồ nuôi thủy sản, kênh mương nước vùng nuôi, tránh lây lan dịch bệnh. Năm 2019, tổng số hóa chất sát trùng Sodium Chlorite đã sử dụng để phòng chống và xử lý dịch bệnh thủy sản là 17.778kg. Kiểm dịch giống thủy sản sản xuất trong tỉnh trên 106,7 triệu con. Đồng thời, tiến hành tổ chức 05 lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho 164 người nuôi (tại Sông Cầu: 02 lớp, Tuy An: 02 lớp, Đông Hòa: 01 lớp).

Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường

Phú Yên đã tổ chức lấy mẫu quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 03 vùng nuôi (Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu), tần suất quan trắc 2 lần/tháng. Riêng mẫu nước nuôi tôm hùm tại đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (thuộc thị xã Sông Cầu) đã tăng tần suất lấy mẫu quan trắc lên 4 lần/tháng (trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8) và lấy mẫu nước ở cả 03 tầng (mặt, giữa, đáy). Bên cạnh đó, còn lấy mẫu quan trắc đột xuất, khi nhận được thông tin về vùng nuôi có sự cố môi trường hoặc dịch bệnh. Phân tích 12 chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa và 03 chỉ tiêu vi sinh gồm: Nhiệt độ, Oxy hòa tan, TSS, độ mặn, độ pH, độ kiềm, Fe, NH3, NO2, PO4-P,  H2S, COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticusColiform.

Năm 2019, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên đã thực hiện 27 đợt lấy mẫu nước theo định kỳ, tổng số mẫu phân tích là 563 mẫu;  Đồng thời, lấy 03 mẫu đột xuất. Sau mỗi đợt lấy mẫu và phân tích kết quả, Trung tâm nhanh chóng thông tin kết quả quan trắc môi trường, khuyến cáo các giải pháp phòng ngừa sự cố do môi trường, dịch bệnh kịp thời đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người nuôi bằng nhiều hình thức (như gửi văn bản, email, tin nhắn qua điện thoại) để chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản toàn tỉnh.

Đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2019

Nhìn chung, năm 2019, nhờ có sự chỉ đạo của các cấp, triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; sự phối hợp, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và quan trắc cảnh báo môi trường (trong thời điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, sự cố môi trường) nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ không lây lan trên diện rộng, diện tích bệnh giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018; thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường được truyền tải đến vùng nuôi kịp thời. Các trường hợp thủy sản nuôi lồng chết do sự cố môi trường chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2019 cũng gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm; hầu hết vùng nuôi không có ao lắng, xử lý nước cấp, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt, sử dụng nước cấp trực tiếp từ bên ngoài vào ao nên mầm bệnh không kiểm soát được. Thời tiết nắng nóng kéo dài, biến động bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi và sức đề kháng của thủy sản. Ý thức một bộ phận không nhỏ hộ nuôi chưa cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định, làm lây lan mầm bệnh. Lực lượng thú y thủy sản và làm công tác quan trắc môi trường còn ít; hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên ngành Thủy sản. Dẫn tới, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh thủy sản gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh chưa được khống chế triệt để.

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2020  

Tỉnh Phú Yên đã xác định năm 2020 sẽ tập trung thông tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Thủy sản, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho người nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra. Xác định quan điểm “phòng là chính”, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan, nhất là người nuôi. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người nuôi tự giác, tích cực báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch, bệnh khi có bệnh xảy ra.

Đối với công tác quan trắc môi trường, thực hiện thu mẫu quan trắc định kỳ (từ tháng 1 đến tháng 12/2020) và thu mẫu đột xuất khi cần thiết, hoặc khi được thông tin vùng nuôi xảy ra sự cố môi trường; Lấy mẫu nước tại khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc các vùng nuôi và các đối tượng nuôi đặc thù của tỉnh; Phân tích, đánh giá các thông số thủy lý, thủy hóa và thủy sinh. Thông báo, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản do môi trường, dịch bệnh gây ra. Hệ thống thú y (từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở) tích cực nắm bắt, tiếp nhận và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh để triển khai công tác cảnh báo và phòng chống mang lại hiệu quả, giảm thiệt hại cho người nuôi.

Giám sát định kỳ bệnh trên tôm nuôi thương phẩm. Thực hiện lấy mẫu định kỳ, chủ động giám sát các loại bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại các ao, lồng của các hộ nuôi tôm nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát định kỳ từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Đối tượng giám sát định kỳ là các loại bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ thương phẩm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu, vi bào tử trùng, taura) và bệnh sữa trên tôm hùm. Tần suất lấy mẫu giám sát định kỳ 1 lần/tháng (riêng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 lấy mẫu giám sát 2 lần/tháng đối với bệnh sữa tôm hùm, bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng trên tôm nước lợ). Giám sát định kỳ bệnh trên tôm giống: Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Phú Yên định kỳ lấy mẫu giám sát bệnh tôm tại cơ sở.

Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để xác định và phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tốt giống thủy sản. Tổ chức kiểm tra đột xuất giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, và giống thủy sản nhập tỉnh, nhằm kiểm soát mầm bệnh ngay từ con giống. Đặc biệt là, sẽ tiến hành xử lý, khống chế dịch bệnh (theo đúng quy định trong Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản); Thực hiện kiểm dịch giống thủy sản (theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản); Tổ chức kiểm tra thẩm định và chứng nhận Cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các Cơ sở đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định Vùng, Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác