Bắc Ninh: tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản (28-02-2017)

Theo Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bắc Ninh đạt 5.326 ha, bằng 99,3% kế hoạch, tổng sản lượng thủy sản 38.270 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ, giá trị sản xuất đạt 1.133 tỷ đồng, tương đương so năm 2015.
Bắc Ninh: tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản
Ảnh minh họa

Mục tiêu năm 2017, tỉnh Bắc Ninh mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 5.350 ha, hình thành hơn 1.000 lồng trên sông, tổng sản lượng thủy sản 38.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 1.175 tỷ đồng.

Nhằm đạt được mục tiêu trên và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, qua đó, duy trì ổn định và phát triển sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2017.

Theo Kế hoạch, trong năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Bản tin Nông nghiệp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi, băng rôn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người dân được biết và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

Về giám sát dịch bệnh, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cũng sẽ tăng cường tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi và hộ nuôi trồng thủy sản. Củng cố và hoàn thiện hệ thống khai báo dịch từ thôn đến xã, huyện, tỉnh. Giám sát sự lưu hành vi khuẩn, vi rút gây bệnh tại các hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản, tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thủy sản hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất.

Về công tác tiêu độc, khử trùng môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát động các chiến dịch tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường sau 2 đợt tiêm phòng chính trong năm (đợt 1 vào các tháng 5-6; đợt 2 vào các tháng 11-12) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT và của UBND tỉnh. Ngoài các tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường do Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh phát động; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động, tự túc vật tư, hóa chất thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo sự hướng dẫn của cơ quan Thú y.

Về Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, ra - vào địa bàn tỉnh. Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y; Lập các chốt kiểm dịch tạm thời; kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc bán chạythủy sản bệnh ra ngoài môi trường.Tố chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng nghi có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thực hiện nghiêm chế độ giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Về hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, tỉnh sẽ hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản 70% giá trị động vật thủy sản buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra dịch. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp chăn nuôi và nuôi trông thủy sản an toàn dịch bệnh. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng, khử trùng tiêu độc môi trường, giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Chỉ đạo hệ thống thú y phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản; Phối hợp với UBND các cấp tổ chức tiêm phòng vắc xin đại trà và bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện việc kiểm dịch tại gốc; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản. Kiên quyết xử lý những gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Ngoài ra, Sở nông nghiệp tỉnh cũng chủ động cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất và vật tư thú y để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; hướng dẫn kiểm tra việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch.

Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác