Quảng Nam: phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường (07-04-2023)

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược; đồng thời khai thác thế mạnh của địa phương, phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Quảng Nam: phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Nam để phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thân thiện môi trường; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2030: Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 nghìn tấn (khai thác thủy sản chiếm 70%, nuôi trồng thủy sản chiếm 30%). Số lượng tàu cá 2.756 chiếc, trong đó có 686 tàu cá vùng khơi, 716 tàu cá vùng lộng, 1.338 tàu cá vùng bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản: 6.996 ha, trong đó nuôi nước lợ 1.996 ha, nước ngọt 5.000 ha; thể tích lồng bè: 465.000 m3 (nước lợ, mặn 400.000 m3, nước ngọt 65.000 m3). Giá trị sản xuất thủy sản đạt 5.700 tỷ đồng, chiếm từ 32-33% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó: khai thác thủy sản đạt 3.500 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản đạt 2.200 tỷ đồng.

Đến năm 2045: Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội...

Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống, môi trường sống gắn với tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu bảo tồn biển, phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường hoạt động bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên (nội địa, hồ chứa, sông, vùng biển); đẩy mạnh xã hội hóa sâu rộng hoạt động bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ưu tiên bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái ngập mặn; hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản quý hiếm. Triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tích cực chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường

Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành/kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp cho các đội tàu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản; củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá hạ tầng quản lý nghề cá; tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản IUU;

Khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững (trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản);tổ chức điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; tích cực chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường. Gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.

Nuôi thủy sản tại đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả

Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại. Phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực (tôm thẻ, tôm sú và các loài thủy sản có giá trị kinh tế). Phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên mặt nước lớn. Chuyển đổi sang nuôi thủy sản tại các vùng đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hoá, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chủ lực chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao và các loài mới có tiềm năng.

Khuyến khích nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm,; các loài cá truyền thống; các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến; các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản.

Khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO, HACCP, GMP... Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn nuôi trồng, khai thác với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản…

Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo Luật Thủy sản 2017 

Tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành Thủy sản đồng bộ, phù hợp quy hoạch, chương trình, đề án lĩnh vực thủy sản, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản 2017 gồm: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; hoạt động kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản; khu bảo tồn biển; cơ sở đóng, sửa tàu cá, sản xuất ngư cụ; hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; số hóa dữ liệu thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Nghiên cứu, cải tiến,ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá; công nghệ khai thác; quản lý nuôi trồng thủy sản; cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

Phát triển nguồn nhân lực ngành Thủy sản

Cụ thể: (1) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, công nhân, lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ ngành Thủy sản. (2) Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, nhất là cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực thủy sản: ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học trong quản lý thủy sản, khai thác và nuôi trồng thủy sản, di truyền, chọn giống, dịch bệnh, dinh dưỡng, môi trường, công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... (3) Đào tạo cán bộ quản lý thủy sản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Thủy sản.

Nâng cao năng lực chế biến thủy sản: Đổi mới thiết bị, công nghệ, đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy định trong nước và quốc tế.

Thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nông dân, ngư dân trong công tác bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát tốt các nguồn thải từ khai thác, nuôi trồng đến chế biến thủy sản (nhất là các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá). Áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất thủy sản. Đặc biệt có biện pháp quản lý, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế các phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường…

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác