Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam (03-04-2023)

Hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ thông qua phát triển chuỗi giá trị toàn diện, thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững là phương pháp tiếp cận hiệu quả, cần được nhân rộng. Đây là kinh nghiệm đúc kết sau 5 năm thực hiện Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam – SCBV”.
Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam

Theo đánh giá năm 2018 tại Việt Nam, sản xuất nghêu và tre là sinh kế/nguồn gia tăng thu nhập cho 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù hai mặt hàng này có tiềm năng thị trường lớn nhưng lại đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức: vùng nguyên liệu bị khai thác quá mức dẫn tới diện tích thu hẹp; người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm không tiếp cận được thị trường hiệu quả; thu nhập của người sản xuất nhỏ trong hai chuỗi giá trị nghêu và tre thấp. 

Đối với nghêu, phần lớn người sản xuất là hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi các bãi nghêu tại ba tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn. Các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng thu mua nguyên liệu và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các công ty lớn là cầu nối xuất khẩu lại thiếu kết nối trực tiếp với các vùng sản xuất nên nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định cả về chất lượng và sản lượng.

Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, dự án đã phối hợp với  các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế dành cho nghêu như MSC (Marine Stewardship Council) và ASC (Aquaculture Stewardship Council). Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành tới những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật… mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu bền vững, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.

Song song với đổi mới kỹ thuật sản xuất, điều kiện quan trọng để chuỗi giá trị nông nghiệp vận hành hiệu quả và mang lại lợi ích cho các bên là nâng cao năng lực quản trị chuỗi. Điều này được thực hiện thông qua việc tổ chức sản xuất theo tổ nhóm hoặc hợp tác xã thay vì hộ cá thể nhỏ lẻ, đổi mới tư duy quản trị hợp tác xã, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và hợp tác xã/tổ nhóm dựa trên các thỏa thuận hợp tác sản xuất, thu mua theo tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường.

5 năm triển khai (trong đó có 2 năm đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án, thị trường tiêu thụ sản phẩm và các yếu tố sản xuất) nhưng dự án đã đạt được những kết quả vượt trên sự mong đợi: Trong ba năm qua, các vùng nuôi nghêu ở Nam Định (2020), Ninh Bình (2022) và Trà Vinh (2023) đã lần lượt trở thành địa phương thứ nhất, thứ hai, thứ ba tại Việt Nam và vùng nuôi nghêu thứ nhất, thứ hai, thứ ba trên thế giới đạt Chứng nhận ASC. Thành quả này là bước tiến dài cho ngành nghêu Việt Nam.

Nỗ lực chinh phục thị trường khó tính, kỳ vọng cao về chất lượng

Sự kiện ngày 23.3.2023 đã đánh dấu kết thúc dự án 5 năm do Liên minh Châu Âu tài trợ, hỗ trợ các bên liên quan trong chuỗi giá trị nghêu và tre, từ sản xuất đến marketing và xuất khẩu. Đây là một sáng kiến nằm trong nỗ lực của Liên minh Châu Âu cùng làm việc với các tổ chức xã hội tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2030. Quyết định của Việt Nam khi lựa chọn làm về sản xuất nghêu và tre là quyết định hợp lý và phù hợp với mục tiêu giảm nghèo.

Ông Jesus Laviña - Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: Liên minh Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trong của mặt hàng nghêu Việt Nam. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu là 87 triệu USD (tăng 37%). Qua các sự thiện trong hai chuỗi giá trị, EU hy vọng SCBV đã tạo tác động lớn tới nông dân và các cộng đồng, phụ nữ và nam giới có cơ hội bình đẳng trong giảm nghèo.

Cách đây hai năm rưỡi, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam đã có hiệu lực. Mặc dù Việt Nam có những ưu thế hơn các đối thủ cạnh tranh và xác định EU là một trang các đối tác thương mại chính của Việt Nam (thể hiện qua thương mại hai nước tăng 11,9% so với năm 2021) nhưng những thách thức trước bối cảnh biến động toàn cầu trong thời gian gần đây (dịch COVID-19, chiến tranh tại Ukraine) đã ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Để giữ được lợi thế của mình, Việt Nam cần cạnh tranh về chất lượng, bao gồm cả các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, và cần giữ được lòng tin của khách hàng quốc tế.

EU là một thị trường khó tính với kỳ vọng cao về chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm. Điều này không phải chỉ riêng với EU mà thực tế khách hàng tại thị trường Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng và các thực hành sản xuất tốt hơn trong tương lai. SCBV đã ra đời đúng thời điểm và rất phù hợp. Liên minh Châu Âu hy vọng các kết quả về tiêu chuẩn bền vững sẽ tiếp tục được giữ vững. Yếu tố quan trọng của kết quả này chính là phương pháp tiếp cận, tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan ở các cấp khác nhau tham gia cải thiện chất lượng sản phẩm.  

Từ “bền vững” đến “thịnh vượng”

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ được triển khai từ năm 2018 đến năm 2023 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã góp phần cải thiện thực trạng bằng phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi. Các mắt xích trong chuỗi giá trị (bao gồm: người nông dân sản xuất nhỏ, doanh nghiệp, thị trường) được kết nối chặt chẽ với nhau, lợi nhuận và rủi ro được chia sẻ công bằng giữa các bên, môi trường chính sách và hợp tác đa bên tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi giá trị.

Thay đổi nhận thức của người dân từ khai thác tre và nghêu theo kiểu “lộc trời” - sẵn có thì chặt, thì lượm - cho đến thực hành các tiêu chuẩn bền vững như MSC, ASC dành cho nghêu, FSC dành cho tre là một bước tiến dài. Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu…mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu bền vững. Bên cạnh đó, chuyển từ khai thác đơn lẻ sang sản xuất theo tổ nhóm, hợp tác xã, cùng với đổi mới tư duy tổ chức và điều hành, đã giúp người sản xuất có điều kiện áp dụng các sáng kiến kỹ thuật như nuôi nghêu nước sâu, làm sạch cát theo “Quy trình làm sạch nghêu Icafis”, phân loại nghêu trước khi đóng gói...

Quy mô tổ nhóm và hợp tác xã cũng giúp người sản xuất nhỏ nâng cao vị thế trong đàm phán hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp theo hướng có lợi hơn cho người sản xuất, thay vì bán sản phẩm cho thương lái nhỏ lẻ và bị ép giá. Mặc khác, hợp tác xã cũng tiếp cận nguồn lực tốt hơn. Tiềm năng và lợi thế của các vùng nguyên liệu đạt chuẩn kỹ thuật đã thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác trực tiếp với các tổ hợp tác và hợp tác xã ngay tại vùng nguyên liệu. Cùng với đó, kết nối thị trường đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chuỗi giá trị vận hành hiệu quả. Các hợp tác xã đã có bao bì nhãn mác sản phẩm, đẩy mạnh marketing, tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp ngành nghêu đã tham gia các hội chợ quốc tế tại châu Âu. Nhiều đơn hàng đã được ký kết trực tiếp trong những dịp xúc tiến thương mại này.

Để có những thành công này, không thể thiếu sự hợp tác của chính quyền các cấp, chuyên gia kỹ thuật và các tổ chức xã hội trong việc tạo môi trường chính sách hỗ trợ cho chuỗi giá trị. Đã có 5 liên minh công-tư được thành lập và hoạt động tại 5 tỉnh, cùng bàn bạc các vấn đề như chính sách giao quyền sử dụng đất cho hộ sản xuất và hợp tác xã, tiếp cận vốn, kết nối các mắt xích trong chuỗi. SCBV đã đi tới đích đáng tự hào với sự nỗ lực của nhiều bên: Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hội Thủy sản Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản và các hộ nuôi nghêu ở Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu; các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, thị trường… SCBV đã góp phần thúc đẩy nhiều đổi thay tích cực (nhất là đã gia tăng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu).

Với sự đồng lòng quyết tâm của các bên trong việc nối tiếp những thành quả đã đạt được, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng: từ “BÊN VỮNG” đến “THỊNH VƯỢNG”.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác