Vĩnh Long: 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi tăng nhưng sản lượng nuôi giảm (28-09-2020)

Trong 9 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các loài thủy đặc sản gia tăng, giá thương phẩm các loài thủy đặc sản (như: lươn, baba, ếch, cá chạch lấu) tăng ổn định, người nuôi có lãi khá nên người nuôi tại Vĩnh Long đã mở rộng diện tích nuôi.
Vĩnh Long: 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi tăng nhưng sản lượng nuôi giảm

Tuy nhiên, tình hình thời tiết thay đổi bất thường (nắng nóng/mưa dông) dẫn đến chất lượng nước nuôi không ổn định, khiến mầm bệnh có sẵn gia tăng, nguy cơ vật nuôi cảm nhiễm cao, nhất là bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh và bệnh xuất huyết, lồi mắt trên cá nuôi lồng/bè. Tổng diện tích nuôi toàn tỉnh Vĩnh Long 9 tháng đầu năm đạt 2.364,83 ha, tăng 9,3% (tương đương tăng 201,26 ha) so với cùng kỳ năm 2019, bằng 93,8% kế hoạch năm (2.520 ha). Tổng sản lượng nuôi ước đạt 88.447,41 tấn, giảm 24,9% (giảm 24.052,59 tấn) so với cùng kỳ năm 2019, đạt 78,6% kế hoạch năm (112.500 tấn).

Tổng số lồng bè toàn tỉnh hiện có là 1.714 chiếc (365.681 m3), đạt 114,3% kế hoạch năm (1.500 chiếc), giảm 01 chiếc so với cùng kỳ năm 2019, gồm 1.674 lồng (357.987 m3) và 40 bè (7.694 m3) với 259 cơ sở nuôi, giảm 02 cơ sở so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đang nuôi là 1.153 chiếc (249.580 m3): 1.127 lồng, 26 bè; chưa thả lại 561 chiếc (116.101 m3): 547 lồng, 14 bè.

Đối tượng nuôi hiện nay chủ yếu là cá Điêu hồng (889 chiếc); Basa + vồ đém (47 chiếc); Chim trắng (19 chiếc); Rô phi (28 chiếc); Cá chốt sọc (05 chiếc); Bông lau (03 chiếc); Xác sọc (25 chiếc); Cá hô (07 chiếc); Cá ét mọi (03 chiếc); Cá trắm cỏ (72 chiếc); Cá chép (43 chiếc); Cá trà sóc (03 chiếc); Cá lăng nha (04 chiếc); Cá tai tượng (05 chiếc). Sản lượng nuôi cá lồng/bè trong 9 tháng đầu năm ước đạt: 14.875 tấn, bằng 82,6% kế hoạch năm (18.000 tấn), giảm 5,7% (898 tấn) so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cá điêu hồng trong 9 tháng đầu năm biến động mạnh, giá cá trung bình dao động từ 27.000-36.000 đ/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. Trong Quí 1/2020, giá cá có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trung bình dao động từ 30.000-32.000 đ/kg, từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2020 giá cá giảm thấp, dao động từ 27.000-29.000 đ/kg. Từ tháng 6/2020 đến nay, giá cá điêu hồng có xu hướng tăng trở lại, dao động từ 34.000-36.000 đ/kg (tuy nhiên vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000 đ/kg so với thời điểm báo cáo cùng kỳ 2019). Với mức giá như hiện tại, người nuôi có lãi khá.

Hiện vùng nuôi cá lồng/bè của tỉnh Vĩnh Long vẫn tập trung tại 02 điểm là thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Trong 9 tháng đầu năm, giá cá điêu hồng thương phẩm biến động mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong 6 tháng đầu năm, người nuôi không có lãi. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, giá cá tăng cao trở lại, người nuôi có lãi khá. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nuôi cũng đa dạng hóa nhiều đối tượng thủy sản nuôi có hiệu quả kinh tế cao như chuyển thả nuôi đối tượng cá chép giòn, trắm cỏ, cá chốt, cá xác sọc, cá trê, sặc rằn…

Trong 9 tháng đầu năm, các yếu tố môi trường thường xuyên biến động do thời tiết nắng nóng, kèm những cơn mưa dông trong giai đoạn bắt đầu chuyển sang mùa mưa, ảnh hưởng của bão và đặc biệt là chất lượng nước trên sông biến động (mùa nước son), đây cũng là nguyên nhân xuất hiện bệnh trên cá điêu hồng (như: xuất huyết, phù mắt, ký sinh) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo các cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh thả nuôi để hạn chế hao hụt. Đồng thời thực hiện tốt khâu neo đậu lồng bè, kiểm tra thường xuyên các dây neo, tó… để chủ động phòng, tránh thiệt hại do thời tiết diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ cơ sở nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cấm trong sản xuất góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hiện, toàn tỉnh có 45.990 m3 diện tích mặt nước nuôi cá lồng/bè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, bao gồm 02 Hợp tác xã (HTX Thủy sản Đồng Phú, HTX Liên kết chuỗi thủy sản an toàn Vĩnh Long) với diện tích 26.706 m3 với sản lượng được chứng nhận 1.600 tấn/năm; 02 Tổ hợp tác (THT nuôi thủy sản Đồng Phú; THT Thái Liên) với 19.284m3 với sản lượng được chứng nhận 950 tấn/năm.

Nuôi cá tra ao thâm canh

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Vĩnh Long có 7,85 ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm duy trì chứng nhận về tiêu chuẩn ASC và tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng được chứng nhận 2.835 tấn/năm. Tổng diện tích ao nuôi cá tra 453,55 ha, đạt 98,6% kế hoạch năm (460 ha), giảm 0,15% (0,72 ha) so với vùng kỳ năm 2019. Diện tích giảm chủ yếu do cơ sở nuôi ao thu hẹp diện tích, gia cố bờ ao. Trong đó: Diện tích đang nuôi 294,32 ha, giảm12% (40,31 ha) so cùng kỳ; Diện tích chưa thả lại 119,87 ha, tăng 39,7 % (34,05 ha) so cùng kỳ; Diện tích chuyển nuôi đối tượng khác 21,9 ha, tăng 24,4% (4,29 ha) so với cùng kỳ. Chủ yếu nuôi các đối tượng như: Ương giống cá điêu hồng; Nuôi cá  trê, bống tượng, cá lóc... Diện tích treo ao 17,46 ha, chiếm 3,8% tổng diện tích nuôi, tăng 7,7% (1,25 ha) so với cùng kỳ 2019.    

 Số cơ sở nuôi cá tra của toàn tỉnh là 217 cơ sở, tăng 04 cơ sở so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 21 công ty (chiếm 10,14% tổng cơ sở sản xuất), với 249,24 ha (chiếm 54,95% tổng diện tích) và 196 hộ gia đình (chiếm 89,86% tổng số cơ sở sản xuất) với 204,31ha (chiếm 45,05% tổng diện tích). Sản lượng nuôi cá tra 9 tháng đầu năm ước đạt 68.277,1 tấn, đạt 80,3% kế hoạch năm (85.000 tấn), giảm 30,2% (29.538,5 tấn) so cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm, giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao giảm thấp kéo dài, dao động từ 16.500-19.000 đ/kg, giảm từ 5.000-11.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2019. Với mức giá như hiện tại, người nuôi không có lãi ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất của nghề nuôi.

Nuôi thủy đặc sản và các loại hình nuôi thủy sản khác

Diện tích nuôi các loài thủy đặc sản là 77,31 ha, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019 (9,5 ha), đạt 128,85% kế hoạch năm (60 ha). Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 3.017,88 tấn, tăng 23,9% (582,48 tấn) so với cùng kỳ năm 2019, đạt 201,2% kế hoạch năm (1.500 tấn). Các loài thủy đặc sản nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá hô, cá lóc, baba/cua đinh, ếch, cá chình, thát lát,…

Diện tích các loại hình nuôi thủy sản khác 1.833,97 ha, tăng 11,9% (195,25 ha) so với cùng kỳ, đạt 91,7% kế hoạch (2.000 ha). Sản lượng ước đạt 2.277,45 tấn, tăng 24,6% (449,37 tấn) so với cùng kỳ năm 2019, đạt 28,5 % kế hoạch năm (8.000 tấn). Nuôi mương-vườn 1.750,1 ha; sản lượng ước đạt 1.602,0 tấn. Nuôi khác (nuôi ruộng lúa + nuôi ao): 83,87 ha, sản lượng ước đạt 675,45 tấn (trong đó, diện tích nuôi ruộng - lúa 77,9 ha, sản lượng ước đạt 34,45 tấn; diện tích nuôi ao khác: 5,97 ha, sản lượng ước đạt 641,0 tấn).

Chuyển giao kỹ thuật

Trong 9 tháng đầu năm, đã tổ chức 09 lớp tập huấn với 270 người tham dự: 01 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá tra an toàn thực phẩm tại xã An Phước - Mang Thít và xã An Bình – Long Hồ; 01 lớp tập huấn Kỹ thuật phòng trị bệnh cá tra trong điều kiện xâm nhập mặn ở xã Chánh An – Mang Thít; 02 lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi thủy sản mương vườn” ở xã Thạnh Quới – Long Hồ; 02 lớp tập huấn VietGAP nuôi cá rô phi lồng bè ở xã Đồng Phú và xã An Bình - Long Hồ; 01 lớp tập huấn quy phạm thực hành VietGAP nuôi cá rô phi lồng bè tại xã An Bình – Long Hồ và 02 lớp tập huấn kiến thức ATTP tại xã An Bình và Đồng Phú – Long Hồ.

Trong 3 tháng cuối năm

Chỉ tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản 3 tháng cuối năm 2020: Diện tích 155,18 ha (trong đó: Diện tích nuôi cá tra 6,45 ha; Diện tích nuôi các loài thủy sản khác 148,73 ha); Tổng sản lượng đạt 24.052,59 tấn (trong đó: Sản lượng nuôi cá lồng, bè đạt 3.125 tấn; Sản lượng nuôi cá tra thâm canh đạt 16.722,92 tấn; Sản lượng nuôi kết hợp và nuôi khác đạt 4.204,67 tấn); Về sản xuất giống: Cá tra giống 28,27 triệu con, cá tra bột 165,5 triệu bột.

Để đạt được chỉ tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản, trong 3 tháng tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về nuôi trồng thủy sản như tiếp tục thực hiện Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017; các văn bản mới ban hành khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Tổ chức triển khai các hướng dẫn qui định hiện hành về kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi, sản xuất và chế biến cá tra; Quản lý hoạt động và quản lý môi trường nuôi và tăng cường kiểm tra, xử lý về chất lượng thức ăn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các qui định của nhà nước về hoạt động nuôi trồng thủy sản; Phối hợp thanh kiểm tra nơi neo đậu lồng/bè, thủ tục hành chính cho phép nuôi lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi thủy sản.

Hỗ trợ phát triển sản xuất; Thực hiện đạt mục tiêu và hiệu quả các dự án sự nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản xuất của ngành. Cụ thể là: Tiếp tục thực hiện các dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình giám sát và cảnh báo tự động chất lượng nước trong ao nuôi cá tra thâm canh giai đoạn 2018-2020”; “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác nuôi thủy sản lồng bè thực hành VietGAP và liên kết sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm giai đoạn 2019-2020”; “Hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra thâm canh liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm giai đoạn 2019-2020”.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục quản lý tốt vùng nuôi; Tăng cường quản lý sức khỏe vật nuôi trong giai đoạn nắng nóng/mưa dông để phòng bệnh thủy sản cho các đối tượng nuôi ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Lấy mẫu xét nghiệm bệnh ở các vùng nuôi (34 mẫu). Hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở nuôi cách phòng trị bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác quan trắc và cảnh bảo môi trường: Thu 24 mẫu nước cấp, 24 mẫu nước ao đại diện, 12 mẫu nước cấp nuôi lồng bè và thủy đặc sản ở các vùng nuôi trọng điểm để quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh cho các cơ sở nuôi. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ phối hợp Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thu mẫu nước cấp trọng điểm vùng nuôi cá rô phi và vùng nuôi cá tra tập trung. Tổ chức thực hiện 02 cuộc điều tra: (1) Điều tra tình hình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh; (2) Điều tra cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý chuyên ngành. 

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác