Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi nghêu hướng đến Chứng nhận MSC (22-10-2019)

Ngày 16/10/2019, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Mô hình ứng dụng công nghệ mới và xu hướng áp dụng chứng nhận MSC trong phát triển bền vững nghề Nghêu”.
Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi nghêu hướng đến Chứng nhận MSC

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nơi có điều kiện khí hậu và môi trường thuận lợi. Tại đây, nghề nuôi nghêu đã phát triển rất tốt trong những năm trước. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi của khí hậu và ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đã tác động không nhỏ tới hoạt động nuôi trồng và sản xuất của người dân, các tổ hợp tác/ hợp tác xã nuôi nghêu ven biển, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và xuất khẩu nghêu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và toàn Việt Nam. Từ những thách thức đó, cũng trong chuỗi sự kiện của Triển lãm Quốc tế Aquaculture Vietnam 2019, Hội thảo “Mô hình ứng dụng công nghệ mới và xu hướng áp dụng chứng nhận MSC trong phát triển bền vững nghề Nghêu” đã được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Cần Thơ (EFC).

Mục đích chính của cuộc Hội thảo lần này là: Xác định hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nghề nghêu; Đồng thời, hướng đến phát triển nghề nghêu theo Tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin để hỗ trợ nghề nuôi nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh, giúp các hộ nuôi và doanh nghiệp cập nhật, nắm vững các tiêu chí mới nhất trong Tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Từ đó, nâng cao năng lực sản xuất/ truy xuất nguồn gốc, tổ chức nguồn cung đầu vào từ những người sản xuất quy mô nhỏ, cải tiến sản xuất theo hướng bền vững để đạt được Chứng nhận MSC; đồng thời, thông qua việc ứng dụng những sáng kiến nâng cao năng suất, đẩy mạnh giá trị sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị sản phẩm và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm.

Đây chính là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là những người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất nuôi nghêu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những nhìn nhận chuẩn xác và sâu sắc hơn về các vấn đề quan trọng liên quan đề nghề nuôi nghêu: Thực trạng nguồn lợi; Vấn đề môi trường, xã hội và quản lý nguồn lợi nghêu của 03 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh; Các rủi ro, yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nghêu giống; Nuôi nghêu trong các giai đoạn; Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và nuôi nghêu ở các vùng biển phía Bắc; Mô hình phù hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xu hướng áp dụng Tiêu chuẩn chứng nhận MSC cho nghề nuôi nghêu hiện nay...

Đến tham dự Hội thảo có các lãnh đạo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II; Hội Nghề cá Việt Nam, Ban Quản lý Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam”, ICAFIS, Oxfam Việt Nam và các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản; các đại biểu đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm người nuôi nghêu, tổ hợp tác/ hợp tác xã, doanh nghiệp thủy sản) và người nuôi nghêu xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và cùng thảo luận về Hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nghề nghêu; Phát triển nghề nghêu theo chứng nhận MSC;  Nguồn lợi, môi trường, xã hội và quản lý nguồn lợi nghêu cho 03 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh; Rủi ro và tác động đến nghề nuôi nghêu; Hiện trạng nghề nghêu và đề xuất mô hình nâng cao năng suất hạn chế dịch bệnh tại Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre; Tổng quan nghề nghêu tại Nam Định theo hướng phát triển bền vững; Quy trình sản xuất giống theo hướng công nghiệp và cách xử lý môi trường nuôi; Cập nhật Tiêu chuẩn chứng nhận MSC.

Phấn đấu đạt Chứng nhận MSC

Tại Việt Nam, nghêu được xem là đối tượng nhuyễn thể chủ lực cho xuất khẩu với chỉ tiêu phát triển đến năm 2020 là: Diện tích nuôi nghêu chiếm 47,8% (23.110 ha trên tổng diện tích nuôi nhuyễn thể 48.370 ha); Sản lượng nghêu chiếm 76,4% (305.550 tấn trên tổng sản lượng nhuyễn thể 400.000 tấn), tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm. Trong đó, nghêu Meretrix lyrata là đối tượng nuôi truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các tỉnh ven biển Việt Nam nói chung. Hiện tại, vùng nuôi nghêu ở Bến Tre là vùng nuôi duy nhất của Việt Nam đã đạt được Chứng nhận MSC (theo Tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản của Hội đồng Quản lý biển).

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đã có các nghiên cứu về nguồn lợi nghêu, sinh thái học, sản xuất giống, mô hình nuôi, quan trắc môi trường, xác định các tác nhân gây bệnh thường gặp, phòng và trị bệnh trên nghêu. Một số giải pháp kỹ thuật đã được người nuôi trong nước áp dụng, nhưng hiện tượng nghêu chết hàng loạt vẫn diễn ra mà chưa xác định nguyên nhân và tác nhân đầy đủ, chưa có giải pháp kỹ thuật đồng bộ và áp dụng có hiệu quả để người dân áp dụng, hệ thống quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh chưa hình thành rộng khắp và đầy đủ cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ thành công không ổn định, sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng kém hơn nghêu ở Bắc Bộ và trên thế giới, tổ chức sản xuất theo Hợp tác xã đã bước đầu hình thành nhưng chưa vận hành tốt, sản phẩm được bảo quản, sơ chế và chế biến khi đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chưa đạt chất lượng cao.  

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, các giải pháp kỹ thuật tổng hợp mang lại hiệu quả nuôi cần được kiểm chứng tính ổn định ở qui mô lớn. Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật thì phương thức quản lý và tổ chức sản xuất theo hình thức Hợp tác xã/ Tổ nhóm cũng góp phần thành công trong mô hình nuôi nghêu. Vì vậy, cần áp dụng đồng bộ và mở rộng mô hình sản xuất kết hợp giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý. Nhờ đó, các sản phẩm nghêu sẽ có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao (do đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm có giá trị tăng cao).

Hiện tại, Việt Nam rất cần có giải pháp tổng thể để “Xây dựng mô hình nuôi nghêu bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Cụ thể là, xây dựng các vùng nuôi nghêu năng suất cao, chất lượng tốt và đạt được Chứng nhận MSC.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác