Đa dạng sinh học và sự liên quan đến chứng nhận nuôi trồng thủy sản. (23-01-2018)

Trong 25 năm qua, đã có nhiều tiến bộ trong thực tiễn nuôi trồng thủy sản cũng như về quản lý môi trường và hiện nay các chương trình chứng nhận nuôi trồng thủy sản đã trở nên phổ biến. Chủ đề bao quát của chứng nhận nuôi trồng thủy sản là nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động này đến đa dạng sinh học. Tuy đa dạng sinh học là một từ được sử dụng rộng rãi nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được.
Đa dạng sinh học và sự liên quan đến chứng nhận nuôi trồng thủy sản.
Ảnh minh họa

Đa dạng trong các hệ sinh thái

          Đầu tiên, hệ sinh thái đa dạng là một khái niệm được định nghĩa đơn giản là cách các sinh vật phân bố trong các loài. Tỷ lệ càng lớn giữa tổng số các loài so với tổng số cá thể của tất cả các loài thì sự đa dạng càng cao. Khái niệm này áp dụng cho các quần xã sinh vật (tương tác giữa các loài trong cùng một vùng địa lý), các nhóm động vật/thực vật đặc thù (chim, động vật có vú, phiêu sinh thực vật, …) hoặc toàn bộ hệ sinh thái.

          Ví dụ, có hai thủy vực và chúng có 20.000 cá thể phiêu sinh thực vật/ml nước, nhưng một bên có 25 loài và bên còn lại có 05 loài thì thủy vực có số loài nhiều hơn được xem là đa dạng về phiêu sinh thực vật hơn.

          Các quần xã có độ đa dạng cao về loài thì có xu hướng ổn định hơn so với quần xã có độ đa dạng loài thấp. Điều này là do sự biến động về mức độ phong phú của từng loài riêng lẽ ít có ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của toàn bộ quần xã khi quần xã này có độ đa dạng loài cao hơn. Dĩ nhiên, khái niệm đa dạng có thể mở rộng ra cho toàn bộ hệ sinh thái, càng có nhiều loài và nhiều nhóm phân loại thì hệ sinh thái đó càng ổn định.

Lợi ích của sự đa dạng đến sự ổn định của hệ sinh thái là do có nhiều loài, thường có nhiều hơn một loài thực hiện các chức năng cụ thể như quang hợp, ăn thực vật, săn mồi, phân huỷ ... Nói cách khác, một hệ sinh thái đa dạng hơn sẽ có khả năng phục hồi lớn hơn. Việc loại bỏ một loài đơn lẻ khỏi hệ sinh thái sẽ có nhiều khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái có độ đa dạng thấp hơn so với hệ sinh thái có độ đa dạng cao hơn.

Hệ sinh thái đa dạng sinh học

Khái niệm đa dạng đã được mở rộng đến khái niệm đa dạng sinh học của các hệ sinh thái. Hệ sinh thái có các chế độ địa chất, thổ nhưỡng, thuỷ văn và khí hậu độc đáo ảnh hưởng đến các kiểu và sự phong phú của các loài sống trong chúng. Ví dụ, một hệ sinh thái thủy sinh khác biệt nhiều so với hệ sinh thái trên cạn, nhưng một hệ sinh thái thủy sinh kém dưỡng chất cũng khác nhiều so với một hệ sinh thái giàu dưỡng chất.

Thông thường, các hệ sinh thái nhiệt đới được xem là đa dạng hơn so với các hệ sinh thái ở các vùng có khí hậu ôn đới và hàn đới. Các quần xã động vật không xương sống, sinh vật phù du và vi khuẩn có xu hướng đa dạng hơn các quần xã thực vật và động vật có xương sống. Ngoài ra, các loài sinh vật trong hệ sinh thái đều có sự đa dạng di truyền, sự tương tác giữa tính đa dạng hệ sinh thái và đa dạng di truyền dẫn đến những thay đổi dần dần về các đặc điểm của sinh vật theo thời gian.

Khái niệm mới về đa dạng sinh học quá rộng đến mức gần như không thể tìm ra một chỉ số đa dạng sinh học đơn lẽ để phù hợp. Mặc dù bảo vệ đa dạng sinh học đã trở thành một chủ đề về quản lý sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, nhưng thuật ngữ đa dạng sinh học không có một định nghĩa duy nhất được chấp nhận rộng rãi và rất khó để đánh giá được đa dạng sinh học.

Các yếu tố chính làm giảm sự đa dạng sinh học: phá rừng và các thay đổi khác về sử dụng đất; khai thác quá mức các loài bằng cách săn bắn hoặc đánh bắt (thủy hải sản); đưa các loài ngoại lai vào mà chúng có tính hung hãn, cạnh tranh cao, hoặc các loài săn mồi và không có sự kiểm soát tự nhiên; đưa các bệnh mới mà một hoặc nhiều sinh vật không có sự đề kháng; ô nhiễm do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, hoặc chất độc; sự thay đổi về vốn gen (gene pool) bằng cách đưa vào các sinh vật có gen khác với các sinh vật bản địa.

Những ảnh hưởng có thể có của nuôi trồng thủy sản đến đa dạng sinh học

Tài liệu đơn giản nhất về những ảnh hưởng có thể có của nuôi trồng thủy sản đối với đa dạng sinh học là do Tiến sĩ James Diana ở Đại học Michigan biên soạn. Chúng bao gồm:

  • Vật nuôi bị thoát ra ngoài và được xem như là các loài ngoại lai;
  • Sự phú dưỡng và những thay đổi kết hợp ở các quần thể động, thực vật ở vùng nước tiếp nhận nước thải ra từ các trang trại nuôi trồng thủy sản;
  • Các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn bị thế chỗ bởi các ao dùng nuôi trồng thủy sản;
  • Khai thác các quần đàn thủy sản tự nhiên dùng chế biến bột cá (làm thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản) hoặc dùng làm thức ăn tươi sống cho các loài thủy sản nuôi;
  • Lây lan bệnh và các ký sinh trùng từ vật nuôi sang các quần đàn ngoài tự nhiên;
  • Sự biến đổi di truyền của các quần đàn ngoài tự nhiên do vật nuôi thoát ra ngoài;
  • Hủy diệt các loài săn mồi do ăn thức ăn từ các trang trại nuôi trồng thủy sản;
  • Tác động của các chất kháng sinh và hormon được sử dụng trong các trang trại nuôi trồng thủy sản lên động, thực vật ở các thủy vực tiếp nhận nước từ các trang trại nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản cũng làm phát thải vào khí quyển khí cacbonic và các khí nhà kính khác liên quan đến biến đổi khí hậu, khí sulfur dioxide và các chất khác có khả năng gây axit hóa.

Khái niệm đa dạng sinh học này rất phức tạp nên không thể tìm ra một chỉ số duy nhất về đa dạng sinh học để sử dụng làm tiêu chuẩn cho việc chứng nhận nuôi trồng thủy sản. Đây là lý do tại sao các chương trình chứng nhận nuôi trồng thuỷ sản có nhiều tiêu chuẩn và yêu cầu. Cần giảm các tác động môi trường ở tất cả các mặt của nuôi trồng thủy sản để tránh những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Anh Chi (Theo GAA)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác