Ngành tôm lo sợ hiệu ứng domino từ lệnh cấm của EU đối với tôm Ấn Độ (01-11-2017)

Giám đốc Tập đoàn Siam International, ông Jim Gulkin nói với Undercurrent News: Ngành tôm Ấn Độ và ngành tôm toàn cầu nín thở chờ đợi quyết định của Liên minh Châu Âu về việc có nên áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với các nguy cơ sức khoẻ từ tôm nhập khẩu Ấn Độ hay không.
Ngành tôm lo sợ hiệu ứng domino từ lệnh cấm của EU đối với tôm Ấn Độ
Ảnh minh họa

Ông cho biết: “Nếu có một lệnh cấm hoàn toàn hoặc những hạn chế nghiêm trọng khác có thể làm giảm các chuyến hàng của Ấn Độ sang EU thì sẽ có một ảnh hưởng domino đối với ngành tôm”.

Một sự kiện như vậy có thể dẫn đến một số kết quả khác nhau.

Một là Ấn Độ “hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Mỹ” và tăng xuất khẩu tôm càng nhiều càng tốt sang Việt Nam và cả Trung Quốc.

“Kết quả là Thái Lan và Inđônêxia sẽ tiếp tục bị gây áp lực lớn hơn từ thị trường Mỹ. Thái Lan không có khả năng tăng xuất khẩu sang EU để tận dụng một phần lệnh cấm đối với tôm Ấn Độ, do Thái Lan thiếu các đặc quyền ưu đãi của GSP”.

Ông Gulkin cho biết: “Trong kịch bản này, Inđônêxia có thể sẽ thu được một số lợi ích trên thị trường EU, nhưng thị phần của Inđônêxia ở EU luôn ở mức thấp; các nhà máy hầu như không được thiết lập để sản xuất loại sản phẩm cho EU, vì vậy sẽ có giới hạn cho những gì Inđônêxia có thể đạt được”.

Kết quả cuối cùng cho cả Thái Lan và Inđônêxia sẽ là xuất khẩu thấp hơn sang Mỹ, không có thị trường thay thế rõ ràng để bù đắp tổn thất.

Ông Gulkin dự đoán: “Việt Nam sẽ là người chiến thắng tại châu Á. Việt Nam đã có thị phần đáng kể trên toàn EU, và nước này sẽ dễ dàng để tiếp nối điều này”. Tuy nhiên, dự báo này được đưa ra trước khi EU đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam về việc thiếu các nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp.

Ông lưu ý: “Việt Nam đã gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, vì vậy các cơ hội mới ở EU sẽ là lợi ích mặc dù sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Mỹ”. Nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam là EU hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, do lo ngại tôm nguyên liệu của Ấn Độ có thể tìm đường đến châu Âu thông qua nhập khẩu, chế biến tại Việt Nam rồi lại được tái xuất.

Một số công ty Việt Nam sợ thẻ vàng có thể làm cho các chuyến hàng đến EU trở nên đắt hơn, vì việc kiểm tra biên giới có thể trở nên gắt gao hơn.

Tại hội nghị của Hiệp hội Nuôi trồng Thuỷ sản toàn cầu gần đây về Triển vọng Nuôi trồng thủy sản (GOAL) tại Dublin, Ai-len, ông Bob Yudovin thuộc công ty Harvest Meat nói rằng Hoa Kỳ sẽ có một “vấn đề nghiêm trọng” nếu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hành động tương tự như EU.

Ông lưu ý FDA đã “đe dọa” hành động theo các quyết định của EU trong quá khứ.

Ông nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy những phản ứng tương tự trên các loài khác trước đây”.

Trong khi đó, Gulkin dự đoán sản lượng tôm Ấn Độ sẽ tiếp tục thắt chặt từ đây đến năm mới, vì các vấn đề về dịch bệnh đã làm giảm sản lượng.

Đây là kết quả của báo cáo gần đây của Undercurrent về tôm Ấn Độ, trong đó các nguồn dự báo giá sẽ vẫn ổn định vào năm 2018.

Ông Gulkin cho biết về tình hình ngành tôm Ấn Độ năm 2017: “Các ao nuôi tôm mới, các trại sản xuất giống mới, các nhà máy mới và các nhà máy hiện có đang được mở rộng. Giờ đây Ấn Độ là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, và tiếp tục tăng thị phần ở thị trường Mỹ, tranh giành thị phần với Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam”.

HNN (Theo siamcanadian.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác