Trồng san hô có lợi cho các vùng rạn tại Caribe (02-08-2017)

Một nghiên cứu mới cho thấy loài san hô cành Acropora cervicornis ở khu vực Caribe đang được hưởng lợi từ việc “trồng san hô”, quá trình phục hồi các quần thể san hô được thực hiện bằng cách mang các nhánh san hô được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trồng tại các khu vực rạn.  
Trồng san hô có lợi cho các vùng rạn tại Caribe
Ảnh minh họa

Nghiên cứu này được tiến hành bởi các nhà khoa học của Trường Khoa học Biển và Khí quyển Rosentiel thuộc Đại học Miami (UM) và cộng sự có ý nghĩa quan trọng cho sự sống lâu dài của các rạn san hô trên toàn thế giới, hiện chúng đã bị suy giảm do nhiều tác nhân gây stress như biến đổi khí hậu và ô nhiễm đại dương. 

Tác giả chính Stephanie Schopmeyer, nhà sinh học nghiên cứu về san hô của Trường Rosentiel UM cho biết “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các phương pháp phục hồi san hô hiện tại rất hiệu quả. Các rạn san hô khỏe mạnh rất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta và sự phục hồi san hô thành công được chứng minh là một công cụ phục hồi cho các nguồn lợi ven bờ bị mất.”  

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã đưa ra tài liệu chứng minh cho sự thành công trong việc phục hồi san hô tại một số điểm ở Florida và Puerto Rico trong suốt 2 năm đầu. Kết quả thu được của họ cho thấy các phương pháp phục hồi hiện tại không gây thiệt hại quá mức cho các tập đoàn san hô tự nhiên khi lấy mô san hô để nhân giống san hô mới trong phòng thí nghiệm, và khi san hô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được mang ra trồng trên rạn thì chúng giống như các tập đoàn san hô tự nhiên.  

Từ những năm 1980, ở khu vực Caribe các quần thể san hô cành Acropora cervicornis đã bị suy giảm 90%. Vì thế, loài này đã được xếp vào các loài bị đe dọa trong Luật về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng của Mỹ năm 2006 nhằm giúp bảo vệ và bảo tồn các loài san hô này để tạo cơ sở hình thành các sinh cư rạn lý tưởng về mặt sinh học cho các loài sinh vật biển.  

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Coral Reefs đưa ra hướng dẫn về việc phục hồi san hô thành công và nỗ lực phục hồi các loài bị đe dọa trên thế giới.

Mỗi năm có hàng ngàn nhánh san hô được nuôi cấy trong các phòng thí nghiệm và được trồng tại các vùng rạn bị suy thoái. Đây là nghiên cứu đầu tiên thu thập số liệu về hiệu quả và sự sống sót của san hô được phục hồi ở quy mô vùng, bao gồm dữ liệu từ hàng ngàn cá thể thuộc các tập đoàn san hô A. cervicornis, hơn 120 kiểu gen khác nhau trong 6 vùng địa lý để xây dựng các đối sánh nhằm đánh giá đầy đủ tiến độ và tác động của nỗ lực phục hồi rạn và san hô của vùng đó.

Rạn san hô cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ bao gồm nơi trú ẩn cho các loài hải sản, thức ăn cho con người và các loài sinh vật biển, và bảo vệ con người khỏi thiên tai như bão. Vì vậy, việc phục hồi san hô được xem là một chiến lược hiệu quả và tiết kiệm chi phí để tạo vùng đệm cho các đường bờ biển khỏi bị tác động của bão và nước biển dâng.

Giáo sư Diego Lirman chuyên ngành sinh thái học và sinh học biển của Trường Rosentiel UM, đồng tác giả, cho biết “Rạn san hô đang bị sụt giảm ở mức báo động và hiện các chương trình phục hồi san hô được xem là một hợp phần thiết yếu của kế hoạch bảo tồn và quản lý san hô. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp các đối sánh khoa học cần thiết để đánh giá quá trình phục hồi san hô”.

Nghiên cứu được thực hiện cùng với sự hợp tác của các thành viên Chương trình Phục hồi san hô Acropora của Mỹ: Đại học Southeastern Nova, Đại học Miami, Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida, Phòng Thí nghiệm biển Mote, Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên, và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia (NOAA).

Cộng đồng có thể tham gia vào việc phục hồi san hô thông qua chương trình Cứu Rạn của Đại học Miami, tại đây người dân sẽ cùng với các nhà khoa học trồng san hô đã được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lên các khu vực rạn bị suy thoái.

Vũ Hậu (theo sciencedaily)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác