Nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm (03-05-2019)

Đó là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp vừa diễn ra tại Ninh Thuận do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý, người nuôi tôm đã thảo luận, tập trung vào các vấn đề liên quan đến cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất tôm giống; giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm đạt năng suất cao và bền vững, kinh nghiệm lựa chọn giống tốt…
Nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm
Ảnh minh họa

Đối với nghề nuôi tôm, chất lượng con giống là yếu tố đóng vai trò then chốt quyết định thành công hay thất bại trong chuỗi sản xuất. Vì vậy, vấn đề chất lượng tôm giống luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành và người nuôi tôm.

Tính đến năm 2018, nước ta có 2.457 cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ, sản lượng đạt 120 tỷ con; diện tích thả nuôi tôm nước lợ 736.000 ha, sản lương đạt 762.000 tấn. Mặc dù công tác quản lý giống tôm được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vị phạm nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. Công nghệ vùng nuôi tôm hiện đang rất hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả sản xuất thấp.

Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững như: Giá thành sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia. Cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá, ...

Để hạn chế thiệt hại trong nuôi tôm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng hợp các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm như: Thiết kế ao nuôi đồng bộ; lựa chọn con giống chất lượng ở cơ sở có uy tín; tạo thức ăn tự nhiên, gây màu trước khi thả tôm; duy trì vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả tôm; tăng sức đề kháng cho tôm, thực hiện phòng hơn chống, như bổ sung vitamin C, tỏi tươi, thảo dược khác; quản lý thức ăn, môi trường nuôi tốt...  

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị: Đối với các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt quy hoạch và đầu tư cơ sở vùng nuôi tôm, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi, an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường; Đối với cơ quan nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu con giống sạch bệnh, kháng bệnh, tiến bộ kỹ thuật mới để chuyển giao cho bà con nông dân; Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã cần xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội,... tổ chức đào tạo cho nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

Năm 2019, ngành Thủy sản phấn đấu duy trì diện tích nuôi hiện có, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng. Tiếp tục chương trình cơ cấu lại ngành tôm, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả; tăng cường công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung, giám sát, kiểm sát dịch bệnh trên tôm nuôi.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác