Ninh Thuận: Chú trọng sản xuất giống, quan tâm nuôi biển (15-08-2023)

Đây là 2 thế mạnh mà ngành thủy sản Ninh Thuận đã, đang và sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới để đưa thương hiệu thủy sản Ninh Thuận vươn xa hơn nữa.
Ninh Thuận: Chú trọng sản xuất giống, quan tâm nuôi biển
Tôm giống Ninh Thuận có chất lượng và thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”

Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao

Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là sản xuất giống thủy sản. Hiện nay, sản xuất tôm giống nuôi nước lợ là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đáp ứng hơn 35% nhu cầu nuôi tôm thương phẩm từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

Theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận, năm 2021, sản lượng tôm giống của Ninh Thuận đạt hơn 24 tỷ con, chiếm hơn 35% sản lượng tôm giống của cả nước. Năm 2022, có 415/450 cơ sở sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng hoạt động, đạt sản lượng 39 tỷ con, tăng 0,7% so với năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thuận lợi, ước đạt 21,6 tỷ con, tăng 4,5% so với cùng kỳ; trong đó, tôm giống 21,3 tỷ con, tăng 4,5%.

Tôm giống Ninh Thuận càng được khẳng định chất lượng và thương hiệu ra khắp các thị trường khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Đây là bệ phóng để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận vươn lên, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống tôm chất lượng cao của cả nước.

Những năm qua, Ninh Thuận luôn chú trọng quản lý Nhà nước về giống thủy sản. Quy định về sản xuất giống thủy sản triển khai đồng bộ đã kịp thời chấn chỉnh, giúp các cơ sở sản xuất ngày càng nâng cao chất lượng giống như mong muốn. Tôm giống Ninh Thuận được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Có đến 90% sản lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh được tiêu thụ ở các tỉnh nuôi tôm thương phẩm trong cả nước, cho thấy chất lượng sản xuất giống ngày càng nâng cao.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu chung là phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước theo hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền chọn giống, công nghệ xử lý nước, công nghệ thông tin, công nghệ số…; xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất và tiêu thụ con giống đảm bảo giữ vững uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”.

Quan tâm phát triển nuôi biển

Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản. Những năm qua, kinh tế biển của tỉnh được coi trọng và có bước tăng trưởng khá; sự phát triển của các ngành kinh tế biển đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển.

Ninh Thuận là địa phương có bờ biển dài hơn 100 km, môi trường nước biển trong sạch, độ mặn cao và ổn định quanh năm rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Khai thác lợi thế này, tỉnh đang tập trung phát triển các mô hình nuôi cá biển, tôm hùm, các loài nhuyễn thể cho giá trị kinh tế cao. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt 575 ha, thể tích lồng nuôi 100.000 m3; sản lượng nuôi biển đạt 2.500 tấn. Đối tượng nuôi: Cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong tảo biển (các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao). Sản lượng giống cá biển đạt 10 triệu con các loại, tôm hùm giống 0,6 triệu con (chủ yếu nguồn nhập khẩu), 10 triệu giống nhuyễn thể (hàu Thái Bình Dương chủ yếu) và 300 triệu giống ốc hương.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi biển đạt 1.395 ha, thể tích lồng nuôi 200.000 m3; sản lượng nuôi biển đạt 5.000 tấn. Đối tượng nuôi: Cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong tảo biển (các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao). Sản lượng giống cá biển đạt 20 triệu con các loại, tôm hùm giống 1 triệu con (chủ yếu nguồn nhập khẩu), 10 triệu giống nhuyễn thể và 500 triệu giống ốc hương;

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nuôi biển của tỉnh trở thành bộ phận quan trọng trong lĩnh vực thủy sản, góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.

Để phát triển bền vững nghề nuôi biển, Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển các vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm, khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển. Cùng đó, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các mô hình liên kết sản xuất trong nuôi biển theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, giống bố mẹ, giống con, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác