Nuôi biển được xác định là ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, là chiến lược quan trọng nhằm nâng cao sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành Thủy sản nước ta. Theo đó, nuôi biển phải phát triển theo định hướng thị trường, gắn với xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt và gia tăng giá trị sản phẩm, trong đó doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, đặc biệt tại các vùng biển xa, kết hợp với hỗ trợ của khoa học - công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, cần đảm bảo việc sử dụng tài nguyên biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết hợp với quốc phòng, an ninh biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong những năm qua, nghề nuôi biển đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong cả nước, với diện tích và sản lượng nuôi tăng nhanh. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá biển (cá song, cá giò, cá vượt, cá chẽm...), nhuyễn thể (nghêu, hàu, sò, tu hài, ốc hương...), giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...) và rong biển. Các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang… là những địa phương phát triển mạnh nuôi biển. Đặc biệt, một số nơi đã hình thành các mô hình nuôi biển quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, đạt năng suất và chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro và sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định.
Nước ta có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển nuôi biển, nhưng hiện nay lĩnh vực này chưa được khai thác hiệu quả. Hoạt động nuôi biển chủ yếu vẫn tập trung ven bờ, chưa phát triển được nhiều mô hình nuôi biển sâu, đóng góp của nuôi biển vào giá trị kinh tế ngành Thủy sản nói riêng và kinh tế đất nước nói chung còn chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát triển nuôi biển thành một ngành công-nông nghiệp mới, có vị trí đáng kể trong nền kinh tế, cần một lộ trình dài với nhiều cải cách mạnh mẽ và đồng bộ.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ đã và đang đặt ra thách thức lớn cho ngành nuôi biển. Từ hiện trạng các vùng nuôi biển ở miền Bắc sau khi cơn bão số 3 Yagi đi qua có thể thấy thiệt hại do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra cho ngành nuôi biển là rất nghiêm trọng. Để thích ứng và phát triển bền vững, việc chuyển đổi và đa dạng hóa mô hình nuôi biển là giải pháp cấp thiết, giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.
Một trong những giải pháp quan trọng là áp dụng các mô hình nuôi biển bền vững, hiện đại, có khả năng chống chịu thiên tai tốt hơn như sử dụng các hệ thống lồng bè hiện đại. Lồng bè HDPE được thiết kế để chịu được sóng lớn và bão cấp 10 – 12 nhờ đặc tính mềm dẻo, độ uốn dẻo rất cao nên không bị giòn, gãy, giúp hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Bên cạnh đó, lồng HDPE có khả năng chống ăn mòn, không thấm nước, tính ổn định cao và rất thân thiện với môi trường, an toàn với vật nuôi. Do đó, sử dụng các mô hình nuôi biển hiện đại sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì nguồn lợi thủy sản tự nhiên và đảm bảo phát triển bền vững.
|
Bên cạnh đó, cần khuyến khích và phát triển các hình thức nuôi xa bờ thay cho những mô hình nuôi ven bờ hiện nay. Môi trường ngoài khơi cung cấp không gian rộng, thích hợp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đồng thời giảm áp lực lên các vùng ven biển. Ngoài ra, các vùng nước ngoài khơi thường ít bị tác động bởi các hoạt động sinh hoạt của người dân nên sạch hơn và phù hợp hơn cho nuôi biển, giúp các loài sinh vật phát triển nhanh hơn so với nuôi ven bờ. Bên cạnh đó, việc chuyển hoạt động nuôi ra xa các hệ sinh thái ven biển cũng giúp giảm xung đột với các hoạt động kinh tế ven biển khác như du lịch và giảm nguy cơ suy thoái môi trường sống. Đây là xu hướng phù hợp với các điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Đặc biệt, mô hình nuôi biển kết hợp đa tầng được đánh giá là bước tiến mới trong hướng đi phát triển bền vững. Về lý thuyết, nó sẽ tạo ra một hệ sinh thái khép kín, chất thải hoặc thức ăn thừa của loài này sẽ là nguồn dinh dưỡng của các loài khác. Chẳng hạn, mô hình kết hợp nuôi cá, nhuyễn thể (hàu, vẹm) và rong biển trong cùng một khu vực tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng và bền vững. Chất thải hữu cơ từ cá nuôi trở thành nguồn dinh dưỡng cho rong biển và nhuyễn thể, trong khi đó, nhuyễn thể như hàu và vẹm giúp lọc sạch nước, cải thiện chất lượng môi trường nuôi. Rong biển hấp thụ CO₂ và các chất dinh dưỡng dư thừa, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái. Mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí xử lý môi trường mà còn giúp giảm nguy cơ rủi ro từ thiên tai nhờ tính bền vững cao. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra đa dạng nguồn thu nhập, giúp người nuôi khai thác cá, nhuyễn thể và rong biển, góp phần phát triển kinh tế bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng.
Chuyển đổi và đa dạng hóa mô hình nuôi biển là hướng đi tất yếu để thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng sẽ giúp ngành nuôi biển phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Đây không chỉ là giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng cho tương lai ngành Thủy sản Việt Nam.
Hương Trà