Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng ngành tôm và đánh giá kết quả triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2018 đến 2023, nhằm phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam. Sự kiện lần này còn đặt trọng tâm vào các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, phương án phòng và trị bệnh, đồng thời đưa ra chiến lược cụ thể để giúp ngành tôm nước lợ Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế và môi trường quan trọng trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, ông Châu Công Bằng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cùng ông Ngô Tiến Chương, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Ngoài ra, các tổ chức khoa học công nghệ, đại diện từ Hội Thủy sản, doanh nghiệp nuôi tôm, người nuôi cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản cũng có mặt để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Cục Thủy sản cũng trân trọng mời đại diện các cơ quan truyền thông báo chí tham dự nhằm lan tỏa các thông tin quan trọng đến cộng đồng.
Những thành tựu của ngành tôm giai đoạn 2018-2023
Trong giai đoạn 2018-2023, ngành tôm Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và việc triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg. Số lượng cơ sở sản xuất giống tôm tăng đáng kể, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đảm bảo chất lượng để phục vụ cho xuất khẩu. Sản lượng tôm nước lợ cũng ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, diện tích nuôi được mở rộng tại các vùng trọng điểm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau.
Các sản phẩm tôm của Việt Nam ngày càng đa dạng, đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP và các chứng nhận khác, đáp ứng tốt nhu cầu khắt khe của thị trường. Sự đa dạng hóa này giúp ngành tôm giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, ngành cũng ghi nhận những khó khăn không nhỏ trong quá trình phát triển, khi dịch bệnh tôm vẫn là thách thức lớn và việc kiểm soát hạ tầng chưa đạt yêu cầu ở một số khu vực nuôi tôm.
Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới
Tại hội thảo, các tỉnh tham gia đã đưa ra các ý kiến và đề xuất nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành tôm. Theo đó, các địa phương nhấn mạnh tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết thất thường, cùng với đó là giá vật tư đầu vào tăng trong khi giá tôm nguyên liệu lại giảm. Dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), vi bào tử trùng (EHP) và đốm trắng (WSD), vẫn chưa được kiểm soát triệt để, gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Các địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trước tiên, các tỉnh kiến nghị đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là trong xử lý chất thải và nước thải. Điều này không chỉ giúp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. Một số đại biểu đề xuất xây dựng mô hình quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tập trung, kết hợp với việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như GlobalGAP, VietGAP, và BAP. Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm cũng được khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí.
Ảnh 2: Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu khai mạc
|
Đồng thời, các tỉnh cho rằng cần thúc đẩy việc chuyển giao kỹ thuật và thông tin thị trường để người nuôi có kế hoạch sản xuất hợp lý. Việc cung cấp thường xuyên thông tin về giá cả nguyên liệu, thuốc, thức ăn và các vật tư nuôi tôm sẽ giúp người nuôi chủ động hơn trong quá trình sản xuất và thu hoạch, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
Hội thảo cũng đi sâu vào các giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Việc sử dụng các giống tôm kháng bệnh và thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu được xem là giải pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh. Bên cạnh đó, các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh cũng là những yếu tố then chốt. Cục Thú y cũng đã đưa ra các khuyến cáo sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng và tăng cường kiểm dịch giống nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việc nâng cao chất lượng con giống và kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình nuôi sẽ giúp ngành tôm giảm thiểu rủi ro và nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các đại biểu từ các viện nghiên cứu đã chia sẻ nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất. Trong đó, nổi bật là việc cơ cấu lại chi phí, cắt giảm các khâu trung gian và khuyến khích nuôi tôm vụ ba để gia tăng sản lượng và tạo thêm thu nhập cho người nuôi trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Các mô hình nuôi hữu cơ và sinh thái cũng được xem xét để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.
Ảnh 3: Buổi Hội thảo thu hút hơn 130 đại biểu tham dự
|
Phát biểu bế mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân, đã nhấn mạnh vai trò của các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển ngành tôm bền vững. Ông khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp chủ động tạo mạng lưới liên kết giữa các hiệp hội nuôi tôm ở các tỉnh để tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các giai đoạn khó khăn. Mạng lưới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các phương pháp nuôi tôm hiệu quả, đồng thời giúp tăng cường sự đoàn kết và phát triển của ngành.
Ông Luân cũng nhấn mạnh về quản lý chất lượng nguồn giống, coi đây là yếu tố quan trọng để ngành tôm duy trì và phát triển bền vững. Việc tuân thủ các quy định về sản xuất giống, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ uy tín cho ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cuối cùng, về minh bạch thông tin, ông đề xuất các cơ sở nuôi tôm lưu trữ hồ sơ liên quan đến hoạt động, bao gồm giấy tờ mua bán và giấy kiểm dịch. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý trong việc giám sát mà còn là cơ sở để hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở nuôi khi gặp phải thiên tai hoặc dịch bệnh. Minh bạch thông tin cũng sẽ tạo điều kiện chpo các cơ sở nuôi dễ dàng tiếp cận các chương trình bảo hiểm và hỗ trợ rủi ro khi cần. Để đạt được mục tiêu này, ngành tôm cần phải không ngừng hoàn thiện công nghệ, phát triển quy trình bền vững và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Sự cam kết từ phía các bên liên quan sẽ là động lực giúp ngành tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, tạo dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ thủy sản thế giới.
Hải Đăng