Hiện nay, quá trình tạo ra 1 tấn tôm từ các trại nuôi thâm canh sẽ phát thải tới 14 tấn khí thải Cacbon, trong khi hầu hết thức ăn sử dụng trong nuôi tôm đều được nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều kháng sinh và các sản phẩm sinh học để ngăn ngừa và xử lý dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm cũng khiến chi phí nuôi tôm của Việt Nam cao gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh là Ecuador.
Do sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến trước đây, diện tích đất được sử dụng cho nuôi tôm của Việt Nam tương đối cao, trong khi sản lượng lại thấp hơn so với đối thủ Ecuador. Mặt khác, hoạt động nuôi tôm quảng canh của những người nông dân nhỏ lẻ vẫn chưa tập trung vào khâu xử lý nước và quản lý ao nuôi, dẫn tới hệ quả là hiệu suất nuôi rất thấp, tỷ lệ sống sót của tôm chỉ khoảng 30% khiến lợi nhuận thu về của người nông dân cực thấp, trong khi ao nuôi và nguồn nước bị xuống cấp rất nhanh, thậm chí nguồn nước và đất còn bị ô nhiễm nặng do chất thải thường được thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào, hoặc chỉ được xử lý rất sơ sài.
Để giải quyết những vấn đề trên, một giải pháp mới đã được áp dụng nhờ sự trợ giúp của một đối tượng nuôi khá quen thuộc – rong câu Gracilaria. Rong biển được sử dụng trong quá trình nuôi tôm đóng vai trò như một bộ lọc sinh học giúp xử lý nước ao nuôi, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tôm cũng như tạo thu nhập tăng thêm cho người nuôi tôm. Nó được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện năng suất nuôi tôm, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời giảm chi phí cho các trại nuôi tôm và giảm thiểu tác động môi trường do quá trình nuôi tôm gây ra.
Rong câu Gracilaria thường được nuôi ở đáy ao, người nuôi có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào nước để thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của rong được nhanh hơn. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia nuôi rong Gracilaria lớn nhất, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho ngành công nghiệp agar của thế giới. Tuy nhiên, mô hình nuôi kết hợp rong biển và tôm không sử dụng phương pháp nuôi truyền thống, thay vào đó, họ sử dụng hệ thống lưới trên ao nuôi tôm để nuôi rong biển nhằm tận dụng tốt hơn lượng ánh sáng mặt trời trong nuôi rong biển, nhờ đó mà cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng của rong biển. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là lưới dùng để nuôi rong cần có độ mịn cao bởi Gracilaria dễ bị gãy/vỡ và chúng sẽ rơi xuống đáy ao nuôi.
Lợi thế của mô hình nuôi ghép tôm và rong biển là người nuôi không cần phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho ao như ở Indonesia, mà rong biển sẽ sử dụng chính thức ăn thừa từ quá trình nuôi tôm. Điều này vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa gây ra, vừa giúp giảm chi phí nuôi rong biển. Thử nghiệm ban đầu cho các kết quả tương đối khả quan. Rong biển có tốc độ tăng trưởng từ 2,5 – 3,2%/ngày và còn có thể đạt được kết quả tốt hơn nếu thực hiện các biện pháp tối ưu hơn nữa.
 |
Lợi thế của mô hình này là lưới nuôi rong biển được thiết kế ở trên bề mặt ao nuôi, do đó không làm thay đổi quá nhiều kết cấu ao nuôi cũng như không cần phải đầu tư quá nhiều vào việc lắp đặt. Quá trình nuôi rong biển của cho thu nhập nhanh do tốc độ sinh trưởng của rong tương đối lớn. Chỉ cần 2 tháng, người nông dân đã có thể thu hoạch một lứa rong biển. Một số người nuôi tôm đang áp dụng thí điểm mô hình nuôi kết hợp tôm và rong biển cho biết thu nhập của họ đã tăng gấp đôi nhờ lợi nhuận bán rong biển và tỷ lệ sống của tôm cũng được cải thiện đáng kể, tăng từ 33% trước đó lên 42% sau khi áp dụng mô hình nuôi kết hợp.
Sau khi thu hoạch, rong biển được chế biến thành phụ gia thức ăn cho các trang trại nuôi tôm thâm canh. Phụ gia thức ăn từ rong biển đang dần được ưa chuộng vì chúng giúp giảm tỷ lệ mắc EHP, WFS và EMS, đồng thời cải thiện FCR, thậm chí có khả năng chống lại Vibrio cho các ao nuôi tôm. Tại các mô hình thí nghiệm, mặc dù tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trên tôm giảm, nhưng tỷ lệ sống của tôm tăng lên, giúp sản lượng tăng từ 5% - 8%. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phụ gia thức ăn như kháng sinh, men vi sinh đã giảm được khoảng 20%. Mục tiêu của mô hình này là cắt giảm khoảng 50% lượng phụ gia sử dụng trong nuôi tôm trong thời gian tới.
Chi phí nuôi tôm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dành cho thức ăn. Chi phí thức ăn chiếm khoảng 50% - 70% tổng chi phí, trong đó phụ gia chiếm từ 20% - 30%. Nếu có thể cắt giảm 50% chi phí cho các chất phụ gia, người nuôi tôm sẽ tiết kiệm được khoảng 10% - 15% tổng chi phí sản xuất. Đây là con số đáng kể, gần tương đương với biên lợi nhuận hàng năm mà nông dân thu được từ hoạt động nuôi tôm. Điều này cho thấy tiềm năng tối ưu hóa chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trong ngành nuôi tôm.
Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, nếu người nuôi tôm có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của tôm, lợi nhuận có thể tăng lên gấp đôi. Tỷ lệ sống sót cao không chỉ giúp giảm tổn thất mà còn tối ưu hóa nguồn lực đã đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Đặc biệt, vấn đề sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm là một thách thức lớn. Việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng quy định có thể dẫn đến tình trạng bị từ chối nhập khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), gây ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra và thị trường xuất khẩu của ngành Thủy sản Việt Nam.
Do đó, bài toán chi phí trong nuôi tôm không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa để tiết kiệm, mà còn liên quan chặt chẽ đến chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nuôi tôm – một trong những mặt hàng chủ lực của ngành Thủy sản Việt Nam.
Hương Trà