Giảm phát thải khí Carbon – Bài toán lợi ích với người nuôi tôm (25-08-2024)

Tại Diễn đàn tôm toàn cầu được tổ chức gần đây, một trong những chủ đề chính được thảo luận sôi nổi là những lợi ích mà người nuôi tôm có thể thu được từ việc giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Cộng đồng quốc tế hiện đang hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở kiến thức chung về lượng khí thải nhà kính trong chuỗi cung ứng tôm hiện nay, đặc biệt chú trọng những điểm nóng và những bất ổn hiện còn tồn tại, cũng như giúp nông dân biết được họ có thể làm gì để chủ động ứng phó với tính hình.
Giảm phát thải khí Carbon – Bài toán lợi ích với người nuôi tôm
Ảnh minh họa

Ngành sản xuất tôm sẽ dần cảm thấy áp lực phải giảm lượng khí thải carbon từ nhiều phía khi người tiêu dùng, chuỗi cung ứng và thương mại hay hệ thống tài chính như các ngân hàng, nhà đầu tư đều cam kết hoặc yêu cầu mức phát thải ròng bằng 0 đối với lượng khí thải carbon. Mặt khác, chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng cũng phải tăng cường quản lý rủi ro do các tác động vật lý của biến đổi khí hậu gây ra, như các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hay chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Lợi ích chủ yếu mà giảm phát thải khí nhà kính mang lại cho người nuôi tôm là thông qua giảm rủi ro đầu tư và cải thiện động lực chuỗi cung ứng. Do tình hình kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, do đó, các biện pháp giảm phát thải carbon cần dựa trên các quan điểm kinh tế nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bên cạnh đó, điều này cũng yêu cầu một sự phối hợp của nhiều bên gồm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, chuỗi cung ứng và vận chuyển, thương mại.

Các nguồn phát thải khí carbon chính từ tôm

Mặc dù tôm có khả năng thích ứng với khi hậu cao hơn một số đối tượng thực phẩm khác, song nếu so sánh với nhiều loài hải sản khác thì chúng vẫn còn khá nhiều thách thức, đặc biệt là từ nguồn thức ăn chăn nuôi – một trong những nguồn phát thải carbon chính trong hầu hết các chuỗi cung ứng tôm. Tại diễn đàn, đại diện của Skretting và Cargill – các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn đã trình bày một số phương pháp giảm phát thải khí nhà kính (GHG) trong chế độ ăn cho tôm được áp dụng thử nghiệm ở Ecuador và Việt Nam. Nhà máy thức ăn cho tôm ở hai quốc gia này được sử dụng làm đối tượng để so sánh thách thức và cơ hội giữa các khu vực địa lý khác nhau, chú trọng tới những phản ứng khác nhau từ người nuôi tôm, đồng thời giải thích cách thức họ làm việc với người nuôi tôm để giúp nó trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Vai trò của hệ thống bán lẻ

Các cam kết phát thải ròng bằng 0 cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong chuỗi bán lẻ thủy sản nói chung, tương tự như trường hợp của chuỗi thức ăn chăn nuôi. Mục tiêu hợp tác để giảm phát thải khí nhà kính ngày càng rõ rang, và tôm cũng không phải là ngoại lệ trong chuỗi cung ứng thủy sản. Chính các nhà bán lẻ cũng đang thể hiện vai trò của mình trong việc định hướng thị trường bằng cách gây áp lực lên các nhà cung cấp nhằm yêu cầu thực hiện các cam kết phát thải đã được đưa ra.

Tại diễn đàn, hai sáng kiến đã được trình bày nhằm minh chứng cho việc giảm phát thải khí nhà kính có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho người nuôi tôm. Sáng kiến thứ nhất do GPS Group thực hiện thông qua dự án mở rộng lưới điện của Ecuador nhằm giảm sự phụ thuộc của người nuôi tôm ở những khu vực xa xôi hẻo lánh vào máy phát điện chạy bằng dầu diesel, qua đó giảm chi phí sản xuất cũng như giảm thải phát thải khí nhà kính trong quá trình nuôi tôm.

Sáng kiến ​​thứ hai tập trung vào cách tập đoàn Thai Union đang giúp các nhà cung cấp tôm của họ tại Thái Lan đầu tư vào tấm pin năng lượng mặt trời, bạt lót ao và một loạt các biện pháp hiệu quả tại trang trại để giảm lượng khí thải và chi phí sản xuất của chính các doanh nghiệp nuôi tôm, đồng thời giúp họ mở rộng phạm vi thị trường.

Các sáng kiến trên đều nhận được cam kết hỗ trợ đầu tư của các nhà bán lẻ Hoa Kỳ. Gã khổng lồ trong ngành thủy sản này cũng đã đưa các mục tiêu về khí hậu - chẳng hạn như giảm lượng khí thải phạm vi 3 của nhà cung cấp - vào chiến lược mua sắm của mình, sử dụng các cam kết tiêu thụ sản phẩm trực tiếp và ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn như động lực giúp người nuôi tôm càng thêm quyết tâm thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Các trang trại nuôi tôm và carbon xanh (Blue carbon)

Carbon xanh (Blue carbon) là carbon được thu giữ và lưu trữ trong các hệ sinh thái ven biển và biển, chẳng hạn như rừng ngập mặn, đầm lầy và cỏ biển. Các hệ sinh thái này có hiệu quả cao trong việc cô lập carbon dioxide từ khí quyển và lưu trữ trong sinh khối và trầm tích của chúng, thường trong nhiều thế kỷ hoặc thậm chí là hàng thiên niên kỷ. Các hệ sinh thái carbon xanh rất quan trọng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu do khả năng hấp thụ một lượng lớn carbon và vai trò của chúng trong việc bảo vệ bờ biển, duy trì chất lượng nước và hỗ trợ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các hệ sinh thái này thường bị đe dọa bởi các hoạt động của con người như phát triển ven biển, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, có thể giải phóng carbon đã lưu trữ trở lại khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Các chủ đề được thảo luận tại diễn đàn bao gồm các tranh luận về việc liệu việc tái trồng rừng ngập mặn trong và xung quanh ao nuôi tôm có phải là cách tốt nhất để hấp thụ CO2 hay không và liệu carbon xanh có thể tạo ra thêm thu nhập cho người nuôi tôm hay không.

Các công ty nuôi tôm và các tổ chức phi chính phủ ngày càng quan tâm đến việc tái trồng rừng ngập mặn – điều này có thể giúp những người nuôi tôm đóng góp vào việc phục hồi thiên nhiên, cô lập carbon và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

Hương Trà (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác