Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường trong các hoạt động thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung (bằng nhiều hình thức như đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo; tờ rơi, pa nô, áp phích; các ấn phẩm, phát thanh, truyền hình). Hàng năm, phát động phong trào Ngày hành động vì môi trường thủy sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản; nhân rộng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng GAP, hữu cơ.
Phát triển KHCN trong hoạt động thủy sản, ứng dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật như tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu; quản lý, thu gom, xử lý chất thải, rác thải từ nuôi trồng, chế biến thủy sản; thiết bị, máy móc, công nghệ sơ chế, chế biến thủy sản.... theo hướng tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, thân thiện môi trường. Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS), các công nghệ mới khác trong sản xuất và quản lý vùng nuôi. Tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng thủy sản, giảm bớt áp lực khai thác tự nhiên.
Đầu tư xây dựng hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung/ các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm/ hệ thống bến cá/ khu neo đậu... đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải để bảo vệ môi trường (trong đó ưu tiên các vùng nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, nuôi thủy sản có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn) làm cơ sở lan tỏa, phát triển các vùng nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó, xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường, theo dõi dịch bệnh thủy sản để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo người nuôi.
Đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản. Hình thành khu vực tái tạo, phục hồi, phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phục hồi các hệ sinh thái trên sông Đồng Nai, rừng ngập mặn bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế, loài đặc hữu, bản địa; Điều tra, đánh giá nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm. Huy động các nguồn lực thực hiện các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thủy sản; năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường giám sát cộng đồng; đề xuất giải pháp quản lý trong hoạt động bảo vệ nguồn nước. Quản lý chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; kiểm soát chất lượng thủy sản theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản.
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhóm loài
Tôm nước lợ: Đồng Nai sẽ áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm nước, nhiên liệu, thân thiện môi trường; hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị cao; nuôi có chứng nhận; đặc biệt hướng tới giảm sử dụng vật liệu nhựa.
Đa dạng hóa phương thức nuôi và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi tôm ở vùng đất nhiễm mặn, vùng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp. Ưu tiên phát triển hình thức nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn, nuôi theo hướng hữu cơ, tôm lúa; tiếp tục phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng ngập mặn.
Cá tra: Khuyến khích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm cá tra chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường.
Cá rô phi/diêu hồng: Tiếp tục phát triển nuôi trong ao, lồng bè trên sông, hồ chứa; nhập nội, mua bản quyền, chuyển giao giống mới, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, cải thiện chất lượng giống bản địa.
Nhuyễn thể (hàu): Phát triển nuôi tập trung tại khu vực nước lợ. Sắp xếp mật độ lồng nuôi phù hợp.
Cá lóc, rô đồng: Tiếp tục phát triển tại các huyện có điều kiện tự nhiên phù hợp, khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu và công nghệ xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường.
Tôm càng xanh: Mở rộng phát triển vùng nuôi tôm càng xanh tập trung; phát triển các hình thức nuôi xen canh, luân canh tôm lúa tại các huyện có tiềm năng. Khai thác diện tích đất, mặt nước các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vào nuôi tôm càng xanh để tăng sản lượng, giá trị và hiệu quả sử dụng đất.
Các loài cá truyền thống, thủy đặc sản: Tổ chức lại các khu vực nuôi thủy sản lồng bè, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Nhìn chung, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ tích cực khai thác tiềm năng mặt nước sông, hồ chứa, hồ thủy điện, thủy lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm, tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp nuôi ghép nhiều giống thủy sản để tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, giảm thiểu chi phí, ít tác động đến môi trường.
Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị, có kiểm soát, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, sẽ thực hiện kiểm dịch, kiểm soát con giống; lấy mẫu giám sát, cảnh báo an toàn thực phẩm ngay tại công đoạn sản xuất; giám sát việc tuân thủ các quy định và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhiệm vụ/kế hoạch/dự án ưu tiên đầu tư
Một, Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản: Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện để thực hiện. Dự kiến mỗi năm tổ chức thực hiện 01 ngày thu gom rác trên sông góp phần làm sạch môi trường thủy sản.
Hai, Đánh giá tổng thể nguồn thải từ hoạt động sản xuất thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý: (i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện, TP, các Sở ngành liên quan để thực hiện đánh giá điều kiện phát triển nuôi thủy sản trong ao; đánh giá tổng quan điều kiện kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển nuôi thủy sản trong ao; đánh giá tác động của các hoạt động kinh tế khác đến nuôi thủy sản trong ao... Từ đó, đề xuất giải pháp quản lý. (ii) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, Tp. liên quan nghiên cứu đánh giá các yếu tố tác động đến vùng nuôi thủy sản lồng bè (nhằm phát triển nuôi thủy sản bền vững) gắn với ứng dụng công nghệ; khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước sông hồ để gia tăng hiệu quả kinh tế các vùng nuôi thủy sản lồng bè tại Đồng Nai.
Ba, Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành Thủy sản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện, TP thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; Quan trắc giám sát một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản.
Bốn, Kế hoạch hành động để bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên: Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện; Hiệp hội, tổ chức liên quan, doanh nghiệp thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên. Đặc biệt là, phối hợp với UBND TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, các Sở ngành liên quan lắp đặt camera giám sát.
Năm, Quản lý môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản tại vùng tập trung: (i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện; tổ chức liên quan và doanh nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa theo hướng bền vững. (ii) Hàng năm, chủ trì phối hợp với UBND các huyện; Tp; cá nhân/tổ chức liên quan để thực hiện công tác quản lý nhà nước về kiểm soát an toàn thực phẩm tại các vùng nuôi trọng điểm.
Sáu, Đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện Tp. liên quan điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi, môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sản.
Bảy, Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố sinh vật thủy sản ngoại lai: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, TP; và các Sở, ban, ngành liên quan điều tra, đánh giá hiện trạng sinh vật thủy sản ngoại lai; xây dựng bản đồ hiện trạng, phân bố của sinh vật thủy sản ngoại lai; đề xuất giải pháp quản lý.
Ngọc Thúy – FICen