Mô hình nuôi tôm- lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây lúa trên cùng diện tích, trong thời gian qua đã phát triển khá ổn định và thể hiện tính bền vững. Năng suất nuôi được cải thiện qua từng năm do người dân đã có nhiều kinh nghiệm và áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đánh giá của các tỉnh và các cơ quan nghiên cứu thì đây là một mô hình mang tính bền vững và có hiệu quả kinh tế.
Nuôi tôm - lúa có nhiều lợi ích: Giảm chi phí làm đất, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm lúa và tôm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mô hình nuôi bền vững, thân thiện môi trường. Mô hình tôm lúa nuôi với mật độ thưa nên tôm nhanh lớn, ít dịch bệnh. Do cấy lúa cải tạo được đất đáy, tạo môi trường tốt cho tôm phát triển.
Hiệu quả triển khai mô hình tôm lúa tại đồng bằng sông Cửu Long
Trong thời gian qua, bên cạnh việc phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rất quan tâm đến các mô hình nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, trong đó có mô hình nuôi luân canh tôm lúa. Từ năm 2011 đến nay, thông qua các chương trình Khuyến nông Quốc gia và các chương trình khuyến nông tại địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi tôm- lúa và xây dựng các mô hình trình diễn để người dân có điều kiện được tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Năm 2011-2013, Bộ đã phê duyệt dự án khuyến ngư “Phát triển nuôi tôm lúa” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thực hiện. Dự án được thực hiện với quy mô 4 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng, với diện tích 190 ha và 190 hộ dân tham gia.
Kết quả triển khai cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột trong quá trình sản xuất, mà là mô hình thông minh. Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mưa xuống nước ngọt thì đưa vào trồng lúa. Trong hệ thống canh tác tôm- lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người dân phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70-80%). Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu, đồng thời cắt phần mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống canh tác tôm lúa hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa, tăng lên từ 2-3 lần so với chỉ cấy lúa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích thì mô hình này vẫn còn bộc lộ một số bất cập: Là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nên công trình chưa đảm bảo, bị rò rỉ, bị nhiễm phèn và không giữ được nước. Kỹ thuật về nuôi tôm-lúa của bà con còn hạn chế, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm nên năng suất bấp bênh và thiếu ổn định. Môi trường ngày càng ô nhiễm, độ mặn biến động lớn, thời tiết biến đổi gây biến động môi trường lớn. Hiện nay các vùng sản xuất tôm lúa nằm xen trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm lúa chưa đồng bộ, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ, còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan, để phát triển mô hình tôm lúa.
Ngoài ra, tôm giống chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian theo thời vụ không được khuyến cáo, người dân ít quan tâm đến chất lượng tôm giống. Sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có giống lúa đặc thù cho từng vùng sinh thái khác nhau, nên năng suất, chất lượng lúa thấp. Nông dân thiếu vốn sản xuất trong khi giá vật tư nông nghiệp không ổn định và cao so với khả năng đầu tư của nông hộ.
Giải pháp phát triển bền vững
Trước những lợi ích và bất cập của mô hình nuôi tôm-lúa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề này:
Tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh bệnh dịch trên tôm. Đầu tư nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt, kháng bệnh, năng suất và chất lượng tốt.
Để mô hình luân canh tôm lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, trong thời gian tới cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác. Nâng cấp các công trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với hình thức nuôi luân canh tôm lúa, cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian tới.
Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Mật độ nuôi chỉ nên duy trì dưới 8 con/m2, diện tích mương nuôi tôm chiếm không quá 30% tổng diện tích.
Tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm- lúa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của hình thức nuôi tôm lúa.