Kiên Giang: Chi cục Kiểm ngư chính thức được thành lập, tăng cường kiểm soát trên biển (18-01-2022)
Trước những yêu cầu từ thực tiễn, để quản lý hoạt động kiểm ngư đạt hiệu quả, ngày 17/1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ký quyết định thành lập Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang. Chi cục Kiểm ngư chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Kiểm ngư thuộc Tổng Cục Thủy sản.
Ảnh minh họa
Theo Điều 87, Chương VI Luật Thủy sản 2017 có nêu rõ: Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Tổ chức Kiểm ngư bao gồm: Kiểm ngư trung ương; Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.
Tính đến thời điểm này đã có 06 địa phương thành lập tổ chức Kiểm ngư với mô hình "cấp Phòng" thuộc Chi cục Thủy sản (gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam). Kiên Giang là địa phương đầu tiên thành lập tổ chức Kiểm ngư với mô hình "Chi cục Kiểm ngư" trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Cụ thể, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang là tổ chức hành chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về kiểm ngư. Thực hiện chức năng thực thi pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng nước nội địa do tỉnh quản lý; tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Chi cục thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động thủy sản trên các vùng biển được phân công quản lý. Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển được phân công quản lý. Tham gia triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm ngư.
Bên cạnh đó, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản. Hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố trên biển, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân và phương tiện hoạt động thủy sản, phòng chống ô nhiễm môi trường trên vùng biển được phân công….
Việc thành lập tổ chức Kiểm ngư địa phương hiện nay là rất cần thiết, góp phần tăng cường lực lượng để thực thi pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp và góp phần quan trọng để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Văn Thọ