Hiệp định CPTPP và EVFTA tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản (31-07-2019)

Trong các ngành được đánh giá là chịu tác động lớn từ hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, Thủy sản được dự báo sẽ là ngành hàng chính chịu tác động trực tiếp của Hiệp định EVFTA và CPTPP. Trong đó, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh bằng các mức thuế quan được cắt giảm.
Hiệp định CPTPP và EVFTA tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản
Ảnh minh họa

Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trước đó ngày 08/3/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết bởi 11 nước thành viên và có hiệu lực từ 14/1/2019 đối với Việt Nam. Đây là hai hiệp định thế hệ mới với mức độ cam kết bao trùm hơn, chặt chẽ hơn so với những hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Trong các ngành được các chuyên gia đánh giá là chịu tác động lớn từ hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, Thủy sản được dự báo sẽ là ngành hàng chính chịu tác động trực tiếp của Hiệp định EVFTA và CPTPP. Trong đó, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh bằng các mức thuế quan được cắt giảm so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà ko phải là thành viên trong Hiệp định, tăng khả năng tiếp nhận công nghệ và vốn từ các nước thành viên trong hợp định để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng khả năng quản trị…Bên cạnh các cơ hội lớn cho Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cũng sẽ gặp không ít những khó khăn thách thức và cam kết mà các Doanh nghiêp cần tuân thủ như (chính sách thuế quan, các cam kết về TBT, SPS, lao động, môi trường, phát triển bền vững, xuất xứ...). Ngoài ra các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam còn phải cạnh tranh ngay trên chính sân nhà bởi lượng hàng hóa từ các nước.

Cơ hội cho sản phẩm thủy sản

Đối với Hiệp định CPTPP, Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng thủy sản sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia; Canada, Mexico, đây cũng là một trong những đối tác thương mại chính của xuấtkhẩu thủy sản Việt Nam. Các nước thành viên CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng hơn 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch. Trong đó, riêng thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, New Zealand và Australia được nhận định là 2 thị trường mới có sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn cũng là cơ hội để sản phẩm thủy sản Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này.

Trong năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang các nước CPTPP đạt giá trị 2,209 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.

Trong đó, có nhiều nước đạt giá trị lớn như Nhật Bản (1,378 tỷ USD), Canada (239,789 triệu USD), Úc (197,038 triệu USD), Mexico (115,488 triệu USD), Malaysia (114,222 triệu USD), Singapore (113,15 triệu USD)… Tôm là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất sang các nước CPTPP với 970,485 triệu USD; tiếp đó là hải sản với 910,324 triệu USD; cá tra 328,348 triệu USD.

Theo cam kết của các nước thành viên trong Hiệp định CPTPP, đối với mặt hàng thủy sản sẽ được các nước thành viên xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10). Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu sang các nước thành viên. Đối với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù đã có hai hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng vẫn giữ mức thuế 3,5% đối với thủy sản tươi sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Nhật Bản xóa bỏ thuế quan với 91%, trong đó có surimi, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa; Úc về 0% ngay với tất cả các sản phẩm thủy sản.

Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại thị trường các nước thành viên CPTPP về thị phần xuất khẩu các sản phẩm thủy sản gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,...Như vậy, việc Việt Nam là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ trong cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường này, từ đó sẽ có cơ hội tăng thị phần xuất khẩu.

Thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Canada, Canada cam kết xóa bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu với thủy sản Việt Nam sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như: cá ba sa gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu; tôm (bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến) đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần. Chỉ có cá ngừ chế biến hiện có thị phần còn thấp.

Theo cam kết CPTPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ,... đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) hiện nay là 4-5%. Đây là cơ hội để thuỷ sản Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hoá các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.

Cho đến nay, Canada đang nhập khẩu cá ngừ từ hơn 17 nước trên thế giới, Trung Quốc, Thái Lan, Italy, Indonesia, Philippines và Việt Nam là 6 nguồn cung lớn nhất cho thị trường này. Trong đó, Thái Lan và Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thành viên của CPTPP. Tiềm năng xuất khẩu cá ngừ nước ta sang Canada còn rất lớn, bởi lẽ cá ngừ Việt Nam mới chiếm khoảng trên 1,1% thị phần. Dư địa cho xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh sẽ giúp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường này có thể tăng trưởng cao.

Đối với tôm, đối thủ hàng đầu của Việt Nam là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu. Trên thị trường Canada, tỷ trọng của Việt Nam và Ấn Độ có xu hướng tăng. Tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam tăng từ 24% năm 2016 lên 29% năm 2018. Ấn Độ tăng từ 23% năm 2016 lên 28% năm 2018. Trong bối cảnh 2 nước cạnh tranh rất lớn về thị phần, CPTPP chắc chắn sẽ là cơ hội lớn giúp Việt Nam tạo khoảng cách biệt lớn với đối thủ chính của mình trong tương lai.

Tại thị trường Australia, Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm khoảng trên 11% thị phần nhập khẩu, con số này chưa bằng một nửa thị phần của Thái Lan.

Trong đó, Việt Nam là nước có nguồn cung cấp tôm lớn nhất thị trường này, chiếm 31,1% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Úc, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 28%, Thái Lan 23%, Malaysia 11%. Mặt hàng cá tra Việt Nam gần như độc chiếm thị trường Australia, từ 96% đến 98% với phi-lê cá tra tươi hoặc ướp lạnh.

Đối với Hiệp định EVFTA, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%.

Trong năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,472 tỷ USD. Tôm cũng là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất sang EU với 838,295 triệu USD; tiếp đó là hải sản 389,553 triệu USD; cá tra 243,958 triệu USD.

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam còn có cơ hội lớn để tiếp cận các góp mua sắm công (khối khách hàng nhà nước) ở các nước EU và CPTPP; nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thủy sản từ các nước EU và CPTPP với giá hợp lý hơn; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn, giá hợp lý hơn; thủ tục chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan sẽ thuận lợi hơn; thủ tục khiếu nại, xử lý vướng mắc TBT (các rào sản kỹ thuật đối với thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh dịch tễ) nhanh hơn, minh bạch hơn; tiếp cận với các dịch vụ sản xuất tốt hơn về tài chính, bảo hiểm, logistics…; tiếp cận các kênh phân phối thuận lợi hơn…

Thách thức không hề nhỏ

Tuy nhiên, CPTPP và EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam, nhất là về truy xuất nguồn gốc. Bởi để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm, mà điều này có thể không dễ thực hiện được (nhất là đối với thủy sản nhập khẩu về chế biến xuất khẩu).

Theo phân tích của Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong thời gian tới, VASEP sẽ đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài nước về chuỗi giá trị tôm Việt Nam đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời, VASEP cũng sẽ đẩy mạnh trao đổi với các doanh nghiệp làm sao tận dụng được các hiệp định nhằm đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ những nước CPTPP, EU, đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.

Bên cạnh đó, cam kết trong EVFTA, CPTPP làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản.

Chẳng hạn, cam kết về môi trường trong CPTPP: Ngăn ngừa đánh bắt quá mức, quá năng lực; giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành; thúc đẩy sự phục hồi các loài bị khai thác quá mức; không trợ cấp cho hoạt động đánh bắt có tác động tiêu cực tới các đàn cá đã trong tình trạng đánh bắt quá mức; không trợ cấp cho tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Cam kết trong EVFTA: Cam kết tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản nêu trong các Công ước được liệt kê; cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề IUU; cam kết hợp tác, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hản sản.

Đánh giá cơ hội cũng như các thách thức từ Hiệp định CPTPP và EVFTA đối với Ngành Thủy sản,  Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, trong gần 10 năm trở lại đây ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, giá trị sản xuất trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%/năm, sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và khai thác tăng 4,5%/năm.

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có những ngành hàng mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là tôm, cá tra, ngoài ra một số mặt hàng có nhiều tiềm năng nâng cao kim ngạch trong thời gian tới như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể…

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.

Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được cải thiện. Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là với CPTPP đã có hiệu lực và EVFTA vừa ký kết, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay đi kèm với đó không ít những thách thức đặt ra đối với ngành thủy sản trong thời gian tới.

Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Thứ hai, để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Đây là thách thức vì nhận thức của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên quan đến hội nhập nói chung và lộ trình giảm thuế, tiêu chí xuất xứ nói riêng chưa đầy đủ cũng như hàng hóa xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoại khối.

Thứ ba, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, trong đó có cả các đối tác FTA ngày càng gia tăng. Các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ sẽ là thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác