Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 (09-06-2017)

Ngày 09/6/2017, tại Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển; đại diện đơn vị thiết kế tàu cá, đơn vị đóng tàu cá, bà con ngư dân và các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin Hội nghị.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đã triển khai thực hiện gần 3 năm với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ban ngành, bà con ngư dân, các nội dung theo chính sách đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đội tàu cá Việt Nam đã dần được hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị định 67. Để có cơ sở tổng kết một cách đầy đủ, khách quan trung thực các nhóm chính sách ban hành theo Nghị định 67, một số hội nghị chuyên đề cần được tổ chức để đánh giá một cách chi tiết và toàn diện về hiệu quả và tác động của các nội dung chính sách tới phát triển bền vững ngành thủy sản.

Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá là một trong 05 chính sách của Nghị định 67 đã được ngư dân vui mừng đón nhận và sự đồng thuận của toàn xã hội. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, các Bộ ngành liên quan đã khẩn trương hướng dẫn thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 04 Thông tư, 05 Quyết định, trong đó có thông tư quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá; thông tư quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá; thông tư quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67; Bộ Tài chính ban hành 05 Thông tư, 01 Quyết định về hỗ trợ vốn vay, cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng và chính sách bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành 02 Thông tư, trong đó có thông tư về hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/5/2016 cả nước có 666 tàu cá đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động, trong đó có 297 tàu cá vỏ thép (44,6%), 347 tàu cá vỏ gỗ (52,1%), 22 tàu cá vỏ composite (3,4%). Các tàu cá của ngư dân được đóng mới, nâng cấp tại 215 cơ sở đủ điều kiện được Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra và công bố và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp công bố trên toàn quốc. Đa số các tàu cá đóng mới, nâng cấp của ngư dân sau khi đi vào hoạt động đều đạt hiệu quả khá, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Tuy nhiên, một số tàu cá vỏ thép đóng mới sau một thời gian đi vào sử dụng đã bộc lộ một số khiếm khuyết về vỏ tàu, máy tàu, thiết kế... như một số tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định, Phú Yên đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn việc duy tu sửa chữa tàu cá vỏ thép. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã thành lập ngay các đoàn kiểm tra, tổ thẩm định độc lập làm việc với ngư dân và các đơn vị có liên quan để sớm xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân. Tổ chức đối thoại giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân có liên quan. Bộ cũng đã cử các đoàn công tác kiểm tra các cơ sở đóng tàu cũng như thực trạng các tàu cá bị hư hỏng, khiếm khuyết để có các giải pháp kịp thời đưa tàu vào sản xuất.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các kinh nghiệm trong việc triển khai đóng mới tàu cá, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, trong đó có đề cập đến một số nguyên nhân dẫn đến những khiếm khuyết của một số tàu vỏ sắt. Theo đó, trong thời gian tới cần giám sát chặt chẽ trong quá trình đóng mới ở tất cả các khâu từ vỏ, máy, trang thiết bị... theo đúng thiết kế và quy trình. Để có con tàu chất lượng tốt và hoạt động hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thiết kế, đơn vị đóng tàu, đơn vị giám sát, cơ quan đăng kiểm, và ngư dân, kể cả trong lúc đóng tàu và vận hành sử dụng.

Đại diện bà con ngư dân cho rằng, tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm như đi được dài ngày trên biển, an toàn hơn trong sóng gió lớn. Người dân cần xem con tàu là tài sản của mình, không ỷ lại nhà nước thì hoạt động mới có hiệu quả.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đối với các tỉnh duyên hải nói chung và Bình Định nói riêng thì chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ trong thời gian qua là cơ hội và động lực lớn cho bà con ngư dân yên tâm đầu tư, bám biển phát triển kinh tế, hiện đại hóa đội tàu, từng bước hiện đại hóa hậu cần dịch vụ nghề cá, đưa nghề cá thành ngành kinh tế mũi nhọn và mong rằng chính sách sẽ được kéo dài thêm 2 đến 3 năm nữa. Đối với những sự cố vừa rồi cần nhanh chóng khắc phục triệt để để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó cần đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng cá và nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nêu một số điểm căn bản của nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc lựa chọn tàu vỏ sắt, vỏ vật liệu mới hay vỏ gỗ, yêu cầu lắp máy thủy mới 100% đối với tàu đóng mới. Trên cơ sở đề nghị của Bình Định, Bộ NN&PTNT tạm đình chỉ nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu cá đối với 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để 2 đơn vị này khắc phục lỗi của 18 tàu này. Tàu rỉ sét do chất lượng thép thì cơ sở đóng tàu phải thay thép mới đúng theo thiết kế, nếu máy là máy cũ không chính hãng thì phải thay máy mới chính hãng...Sau khi khắc phục lỗi sẽ xem xét đối với các cơ sở đóng tàu trên.

Thứ trưởng đề nghị UBND Tỉnh Bình Định khẩn trương có kết luận sau khi thẩm định chi tiết, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan. Cùng cơ sở đóng tàu sớm khắc phục để 18 tàu này trở lại hoạt động. Tỉnh có giải pháp hỗ trợ chủ tàu vượt qua khó khăn trong lúc tàu đang phải nằm bờ.

Đề nghị tất cả các tỉnh ven biển tổng rà soát các cơ sở đóng tàu, loại những cơ sở chưa đủ điều kiện ra khỏi danh sách đã công bố. Những cơ sở không tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu, chất lượng đóng kém cũng phải loại khỏi danh sách.

Các địa phương tổng rà soát những tàu đã đóng, đặc biệt tàu vỏ thép để khắc phục những lỗi nếu có để ngư dân yên tâm bám biển. Xem xét hợp đồng giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Giám sát các thiết kế của tàu đóng mới, chấn chỉnh việc không sử dụng mẫu thiết kế do Bộ ban hành mà tự thiết kế để thu tiền của dân.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản ban hành sổ tay hướng dẫn vận hành và sử dụng tàu vỏ thép, phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân vận hành con tàu, duy tu bão dưỡng, ưu tiên thực hành trên thực địa. Ban hành hướng dẫn về công tác giám sát trong quá trình đóng mới. Nghiên cứu ban hành quy định về vị trí việc làm và đào tạo theo vị trí việc làm của các thuyền viên trên tàu. Phối hợp với các địa phương tổng rà soát cơ sở đóng tàu, rà soát văn bản pháp lý, các mẫu thiết kế, quy chuẩn, quy trình, nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh lại. Tổng hợp, công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ do các địa phương thiết kế, ban hành. Chấn chỉnh lại công tác đăng kiểm, rà soát lại toàn bộ quy định về công tác đăng kiểm trong thời gian tới, tăng cường phối hợp đăng kiểm trung ương và đăng kiểm địa phương trong quá trình thực hiện để đảm bảo nhanh chóng đưa tàu vào sản xuất.

Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm thực hiện công tác bảo hiểm tàu cá theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Tổng kiểm tra lại các đơn vị bảo hiểm về trách nhiệm và khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Các Ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân tiếp cận vốn.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế các tàu vỏ thép đã được đóng mới theo Nghị định 67 tại cảng cá Đề Gi, tỉnh Bình Định.

Huy Linh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác