Tiền Giang: Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (04-09-2024)

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nên từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tiền Giang: Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Hoàn thành lắp thiết bị VMS và đẩy mạnh thông tin truyền thông

Tiền Giang là tỉnh cuối nguồn của Sông Cửu Long, với 32km bờ biển, có 03 cửa sông lớn là: Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại và nhiều kênh rạch, bãi bồi ven biển, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Với tổng số tàu cá của tỉnh là 1.267 chiếc/404.918 kW, có 9.067 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Loại nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Tổng sản lượng khai thác thủy sản tháng từ đầu năm 2024 đến nay là 62.225 tấn.

Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá được ngành chức năng và các địa phương ven biển của tỉnh Tiền Giang tích cực triển khai thực hiện và sử dụng hiệu quả, với 918/918 chiếc tàu cá đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%. Qua đó giúp các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các phương tiện cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp góp phần trong công cuộc chống khai thác IUU. Thêm vào đó, số tàu cá đang hoạt động được đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu nhận biết, cấp phép khai thác thủy sản, đạt tỷ lệ 100%; việc thực hiện cập nhật dữ liệu tàu cá trên VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đúng quy định hiện hành.

Ban Quản lý cảng cá Tiền Giang đã kiểm tra và lập trên 2.840 biên bản lượt tàu cá tàu cập cảng, với sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng 26.103 tấn. Văn phòng  đại diện, thanh tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra và lập 1.199 biên bản tàu cá cập cảng, rời cảng. Đồng thời, lập 67 biên bản làm việc với chủ tàu cá và đại diện chủ tàu cá để xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS trên biển và chuyển 57 biên bản cho Biên phòng xác minh, xử lý đối với các trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định.

 Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Tiền Giang triển khai thực hiện theo quy định. Tính đến nay, đã thực hiện 2.477 lượt tàu cá xuất cảng và cập cảng trên hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT), trong đó, có 1.466 lượt tàu cá xuất cảng và 1.011 lượt tàu cá cập cảng. 

Công tác xác nhận, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản 2017, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã cấp xác nhận SC được 212 giấy/907,239 tấn; cấp chứng nhận CC được 35 giấy/337,852 tấn thủy sản các loại.

Ngoài tổ chức tuần tra, giám sát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường của tỉnh, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, với 05 cuộc tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản IUU và tuyên truyền Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP cho gần 650 ngư dân là chủ các tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản trên địa bàn, phát 650 tài liệu tuyên truyền, tặng gần 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân. Thực hiện tuyên truyền trên sóng phát thanh của Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện; Đài truyền thanh và lồng ghép vào các cuộc họp ở xã, phường, thị trấn,…

Riêng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình 56 bản tin; tuyên truyền trên loa di động tại 02 cảng cá được 86 cuộc/120 giờ; tuyên truyền trực tiếp các văn bản về chống khai thác IUU cho 4.291 lượt phương tiện/35.616 lượt thuyền viên, cấp phát 3.516 tờ rơi, tặng 2.000 lá cờ tổ quốc,... nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức cho ngư dân, quyết tâm sớm khắc phục “Thẻ vàng” của EC, nhờ vậy từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá vi phạm quy định

Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện 05 cuộc tuần tra, kiểm tra kiểm soát, đã lập 99 biên bản kiểm tra, chuyển cơ quan có thẩm quyền phối hợp xác minh xử phạt 18 cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 15 cá nhân vi phạm về thiết bị VMS, thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản đối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét, không thông báo trước cho tổ quản lý cảng cá theo quy định với tổng số tiền 239,5 triệu đồng.

Cùng với đó, cơ quan quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác của tỉnh; tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn; xác định được tình trạng hoạt động, vị trí neo đậu và giám sát chặt chẽ theo quy định; thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá hoạt động được đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu nhận biết, cấp phép, lắp đặt thiết bị VMS và mở tín hiệu 24/24 từ khi rời cảng đến khi về bến đúng quy định.

Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và quản lý, kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh; phân công, tổ chức trực giám sát hành trình 24/24 giờ để theo dõi 100% hoạt động tàu cá của tỉnh trên biển và tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh qua hệ thống giám sát tàu cá kịp thời phát hiện các trường hợp tàu mất kết nối, tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU chuyển lực lượng chức năng điều tra xác minh xử lý theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc rà soát hồ sơ theo dõi, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; hồ sơ xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng kết nối hệ thống VMS của tàu cá khi rời, cập cảng cá.

Thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác; kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc; thực hiện khai báo 100% trên hệ thống eCDT khi tàu cập cảng bán cá và rời cảng đi khai thác. Cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy CC) qua hệ thống eCDT đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 năm 2023 đến nay; đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống khai thác IUU.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại địa phương; thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương về nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao cuộc sống; các chính sách chuyển đổi nghề khai thác để cải thiện sinh kế và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác