Nam Định: Xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" góp phần gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” (05-12-2024)

Quyết tâm không để tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp phép) ra khơi khai thác thủy hải sản, các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm thực thi các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.
Nam Định: Xử lý dứt điểm tàu cá 
Ảnh minh họa

Thực hiện Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm là chống khai thác IUU, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch yêu cầu Ban Chỉ đạo 67-IUU của tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, ban, ngành nhằm chung tay cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU.

UBND tỉnh yêu cầu mỗi địa phương phải nắm chắc, quản lý được số lượng tàu cá; thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định và kiểm soát, theo dõi được hoạt động của tàu cá khi hoạt động trên biển thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu. Tăng cường quản lý tàu cá, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; giám sát, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm được tỉnh tập trung thực hiện đầy đủ, phù hợp với tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn. Đến thời điểm này, hành trình tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đang được các cơ quan chức năng cùng ngư dân trong tỉnh thực hiện một cách quyết liệt. Công tác quản lý tàu cá đã đi vào nền nếp,

Toàn tỉnh hiện có 1.755 tàu cá, trong đó 548 tàu có chiều dài lớn nhất dưới 6m là do UBND cấp xã quản lý (chiếm 31,2%); 350 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m (chiếm 20%); 288 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m (chiếm 16,4%) và 569 loại tàu có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm 32,4%). Tổng số lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.437 người. Công tác quản lý, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá mua bán, chuyển nhượng chưa sang tên, đổi chủ được tăng cường. Đến ngày 25/11/2024, Nam Định đã đăng ký 69/151 tàu theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT. Hàng  ngày, Sở NN và PTNT thường xuyên tổng hợp và cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu tàu cá “3 không” lên hệ thống Google Sheet theo yêu cầu của Cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT).

100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên (1.207 tàu) đã được cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Hàng tuần, cập nhật đầy đủ danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU lên hệ thống Giám sát tàu cá và gửi công văn thông báo tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, kiểm soát, xử lý khi tàu cá rời, cập cảng. Từ tháng 5/2023 đến tháng 9/2024, tỉnh đã thực hiện xoá đăng ký 9 tàu cá (tàu giải bản, tàu bán sang tỉnh khác) và đăng ký mới 56 tàu cá (tàu mua ngoại tỉnh, đóng mới, phục hồi mất tích) có chiều dài lớn nhất từ 15m trên VNFishbase. Từ ngày 1/10/2023 đến ngày 10/11/2024, toàn tỉnh có 4.714 lượt tàu cập cảng, nhập bến; có 5.637 lượt tàu rời cảng, xuất bến; tổng sản lượng thủy sản khai thác đã giám sát tại cảng cá, bến cá trong tỉnh là 8,05 nghìn tấn.

 Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT, đến ngày 25/11/2024, toàn tỉnh vẫn có 154 tàu cá chưa đủ điều kiện hoạt động khai thác thuỷ sản (chưa đăng ký, không có giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm, chưa lắp đặt thiết bị VMS). Nguyên nhân do nhiều tàu cá phải nằm bờ vì hoạt động khai thác không hiệu quả, thiếu lao động, ngân hàng thu nợ, dẫn đến không thực hiện các quy định về quản lý tàu cá. Hiện, tất cả số tàu cá này đều đang nằm bờ và đã xác định được vị trí neo đậu, không có ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu và được cán bộ địa phương quản lý chặt chẽ. Khi làm các thủ tục rời cảng, xuất bến, cảng cá, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá và các trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động đi khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, nhận thức của một số ít ngư dân chưa đầy đủ về quy định khai thác thủy sản của EC; chưa chấp hành các quy định của pháp luật, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để chung tay gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Từ sau đợt thanh tra lần thứ tư của Ủy ban châu Âu (ngày 1/10/2023) đến ngày 25/11/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng cá, tại các cửa sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát, xác minh xử lý các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Kết quả đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 294 vụ/320 đối tượng vi phạm quy định về khai thác IUU. Trong đó, vi phạm về ngắt kết nối thiết bị VMS là 70 vụ/70 đối tượng; tự ý tháo gỡ thiết bị VMS 2 vụ/2 đối tượng; vi phạm vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển 3 vụ/5 đối tượng (Nam Định 1 vụ, tỉnh ngoài 2 vụ). Các hành vi vi phạm khác 219 vụ/243 đối tượng. Nam Định đã thành lập Tổ công tác liên ngành xác minh, xử lý vi phạm quy định về vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá do đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm Tổ trưởng để tập trung xử lý triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến VMS trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh việc thực thi pháp luật trên biển, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm; hướng dẫn, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử. Tích cực phối hợp xử lý dứt điểm tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài và kiên quyết xử lý tàu cá mất kết nối VMS khi hoạt động trên biển.

Ngọc Thúy (theo Báo Nam Định)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác