Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, tổng số tàu cá của thành phố là 1.387 tàu, trong đó, 1.073 tàu cá đã đăng ký gồm 260 chiếc khai thác ven bờ, 224 chiếc khai thác vùng lộng và 589 chiếc khai thác vùng khơi. Hiện 579/589 tàu cá Đà Nẵng có chiều từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Còn 10 phương tiện chưa lắp đặt thiết bị VMS, gồm: 5 phương tiện đang thực hiện cải hoán để hoạt động vùng lộng; 1 phương tiện (ghe) tạm ngừng hoạt động; 1 tàu mua từ ngoại tỉnh về đang làm thủ tục đăng kiểm tàu cá; 3 phương tiện (1 tàu bị cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản; 1 tàu chờ bán; 1 ghe chưa sang tên.
Tính đến đầu tháng 8, thành phố Đà Nẵng có 437 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, hiện Chi cục Thủy sản và các địa phương đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện hồ sơ để được cấp các loại giấy tờ theo quy định. Đối với các tàu cá chưa đủ điều kiện để cấp các loại giấy tờ, sẽ theo dõi từng trường hợp cụ thể, nắm rõ thực trạng, vị trí neo đậu, yêu cầu chủ tàu không đưa tàu đi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đầy đủ giấy tờ và không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, Bộ đội Biên phòng thường xuyên theo dõi, cập nhật hiện trạng, vị trí neo đậu và tăng cường giám sát chặt chẽ các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi hoạt động khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Qua truy xuất từ hệ thống giám sát tàu cá quốc gia, thành phố có 19 tàu cá bị mất kết nối VMS trên 6 tháng và trên 1 năm, qua kiểm tra, có 18/19 tàu bị mất kết nối sau khi vào bờ và 01 tàu đã bị chìm trên biển. Đến nay, tất cả các trường hợp tàu cá bị mất kết nối VMS đều được xác minh và xử lý theo quy định.
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung cao điểm công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá cố ý vi phạm khai thác IUU. Cùng với đó, sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các hành vi vi phạm về khai thác IUU, đặc biệt là các hành vi môi giới tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; móc nối, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.
|
Đặc biệt, tập trung quản lý chặt chẽ không để phát sinh tàu cá không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm. Ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi hoạt động khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Tập trung nguồn lực tổ chức trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu thực hiện thủ tục cấp các loại giấy tờ cho tàu cá. Trong tháng 8/2024 hoàn thành việc cấp các loại giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác) cho 100% tàu cá còn hoạt động, có đầy đủ giấy tờ.
Đồng thời, triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; đảm bảo 100% tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ, lắp đặt thiết bị VMS. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Thọ Quang; giám sát sản lượng thủy sản; hồ sơ xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (nhất là các loài cá ngừ, cá kiếm, bạch tuộc); không để xảy ra các vụ việc vi phạm hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tổ chức đợt cao điểm công tác thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống khai thác IUU.
Ngọc Thúy (Chinhphu.vn)