Đối với nhiều nhà quản lý nghề cá, mối quan tâm của họ được đặt nhiều vào việc đánh bắt quá mức – hoạt động khai thác quá nhiều, gây nguy hiểm cho sự phát triển của đàn cá hoặc quần thể loài. Trong vài thập kỷ gần đây, những nỗ lực ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức ngày càng tăng lên, đặc biệt là đối với các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RMFO), đây là ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch quản lý nghề cá của họ. Tuy nhiên, không có nhiều nhà quản lý quan tâm đến việc đội tàu không đánh bắt đủ khối lượng được pháp luật cho phép.
Nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đã thách thức các đánh giá chỉ tập trung vào tình trạng đánh bắt quá mức. Nghiên cứu này xem xét mức thiếu hụt sản lượng thực phẩm toàn cầu mà các nghề cá được quản lý tốt có thể gây ra do tập trung vào đánh bắt quá mức.
Nghiên cứu cho thấy việc khai thác thấp hơn khả năng được phép khai thác là nguyên nhân dẫn đến mất tiềm năng cung cấp thực phẩm lớn hơn nhiều so với việc đánh bắt quá mức. Các nhà nghiên cứu đã giới thiệu một chỉ số mới – Chỉ số sản xuất thực phẩm nghề cá thương mại (CFFPI), được thiết kế để đánh giá khả năng tối đa hóa sản xuất thực phẩm bền vững của nghề cá.
Chưa tận dụng hết trữ lượng thủy sản
Nghiên cứu đã đánh giá nghề cá tại 19 quốc gia giàu dữ liệu và 5 RFMO. Nghiên cứu cho thấy các hoạt động quản lý hiện tại chỉ thu được 77% tổng sản lượng bền vững tối đa (MSY) từ trữ lượng cá. Trong số 23% còn lại, 86% trong số đó là do áp lực đánh bắt không đủ, trong khi đánh bắt quá mức chỉ chiếm 14%.
Mô hình này tương đối nhất quán trong nghề cá thế giới: phần lớn tiềm năng bị lãng phí là do khai thác không đủ, không phải do đánh bắt quá mức. Những phát hiện này thách thức các phương pháp đánh giá hiệu suất nghề cá truyền thống, vốn ưu tiên ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức mà không giải quyết thỏa đáng các cơ hội tăng sản lượng lương thực bền vững.
Chỉ số CFFPI
Để cung cấp đánh giá toàn diện hơn, các nhà nghiên cứu đã phát triển CFFPI – chỉ số đánh giá sản lượng lương thực dài hạn có thể đạt được từ nghề cá đang được quản lý hiện tại so với tiềm năng tối đa của chúng. Không giống như các số liệu thông thường tập trung vào sự phong phú của nguồn lợi, CFFPI nhấn mạnh áp lực đánh bắt là biến số quan trọng để tối đa hóa sản lượng lương thực bền vững. Bằng cách sử dụng CFFPI, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng nhiều quốc gia có thể tăng đáng kể sản lượng lương thực của mình bằng cách nhắm mục tiêu vào các nguồn lợi chưa được khai thác, mặc dù điều này có thể đặt ra yêu cầu cần phải cân bằng với các mục tiêu khác như bảo tồn môi trường và việc làm.
Ảnh hưởng đối với Chính sách nghề cá
Nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu mở rộng đánh giá nghề cá vượt ra ngoài các số liệu thường được báo cáo về nguồn lợi bị đánh bắt quá mức. Mặc dù việc tránh đánh bắt quá mức vẫn là điều cần thiết, song các nhà nghiên cứu lập luận rằng việc tăng áp lực đánh bắt đối với các nguồn lợi chưa được khai thác sẽ mở ra con đường đạt được sản lượng bền vững cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ với các mục tiêu quốc gia và quốc tế, bao gồm tính bền vững về mặt sinh thái và các ưu tiên về kinh tế.
Phân tích cũng nêu bật sự khác biệt rõ rệt về hiệu quả quản lý giữa các quốc gia. Trong khi một số quốc gia như Iceland, Quần đảo Faroe và Na Uy có chỉ số CFFPI khá cao, phản ánh sự tập trung vào việc tối ưu hóa sản lượng. Ngược lại, các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc, thường được ca ngợi nhờ hệ thống luật môi trường mạnh mẽ lại có chỉ số CFFPI thấp hơn do các chính sách phòng ngừa duy trì áp lực đánh bắt thấp để tránh rủi ro sinh thái.
Cần một đánh giá toàn diện hơn về hiệu suất quản lý nghề cá
CFFPI cung cấp một cách thức đánh giá hiệu suất của các hệ thống quản lý nghề cá quốc gia hoặc quốc tế trong việc đáp ứng các mục tiêu sản xuất lương thực, điều mà các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế thường không báo cáo. Đây thực sự là một thiếu sót lớn nếu tính tới tầm quan trọng của sản xuất lương thực trong các mục tiêu của ngành Thủy sản.
Chỉ số CFFPI của các quốc gia và khu vực có sự khác biệt đáng kể, với một vài quốc gia đạt trên 90%, 2 quốc gia đạt dưới 50% và hầu hết đều đạt từ 70% đến 80%. Chỉ số này cung cấp hiểu biết sâu sắc hơn về hiệu suất nghề cá, tính đến những thiệt - hơn trong việc quản lý tài nguyên biển để sản xuất lương thực, bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích kinh tế xã hội.
Việc chỉ xem xét tỷ lệ trữ lượng bị đánh bắt quá mức không cung cấp đủ cơ sở để đưa ra các quyết định khi quản lý nghề cá hướng đến nhiều mục tiêu. Khi những thách thức về an ninh lương thực toàn cầu gia tăng, nghiên cứu này cung cấp một khuôn khổ quan trọng để tối ưu hóa các phương thức quản lý nghề cá. Bằng cách áp dụng các công cụ như CFFPI, các nhà hoạch định chính sách có thể đảm bảo rằng ngành thủy sản phát huy hết tiềm năng đóng góp quan trọng vào hệ thống thực phẩm bền vững, đồng thời vẫn có thể cân bằng các ưu tiên về sinh thái và xã hội.
Hương Trà (theo seafoodnews)