Các âu thuyền giúp ngư dân khai thác trên vùng biển Trường Sa (24-07-2015)

So với trước đây, ngày nay, xã đảo Song Tử Tây đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Hạ tầng phát triển không chỉ đáp ứng tốt đời sống của quân và dân xã đảo, Song Tử Tây còn có âu tàu với sức chứa hơn 100 tàu công suất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân.
Các âu thuyền giúp ngư dân khai thác trên vùng biển Trường Sa
Đảo Song Tử tây

Song Tử Tây với âu tàu có sức chứa hơn 100 tàu công suất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân. Cùng với âu tàu rộng lớn, hiện đại, đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu tàu đảo Song Tử Tây còn thực hiện dịch vụ cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu nạn; dịch vụ sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ khai thác, thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá; dịch vụ khai thác âu tàu và nuôi trồng hải sản…

Đối với ngư dân đang khai thác thủy sản trên vùng biển Trường Sa, âu tàu như ngôi nhà để họ trở về mỗi khi bão tố hoặc tàu gặp nạn, thiếu lương thực, nước ngọt... Đến đây, tàu thuyền được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền, được chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt miễn phí, được sửa chữa miễn phí tiền công khi gặp sự cố, được cung ứng lương thực, thực phẩm, bán sản phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận.

Vào mùa mưa bão, biển động, tàu thuyền cũng được hướng dẫn vào âu neo đậu tránh gió, tránh bão và cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra. Từ khi âu tàu được xây dựng, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở ngư trường Song Tử Tây cũng như trên quần đảo Trường Sa nhộn nhịp hơn nhiều so với trước đây.

Không rộng như đảo nổi Song Tử Tây, đảo chìm Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô với những doi cát nổi cao, bên trong có một hồ nước rộng, là nơi lý tưởng làm chỗ neo đậu cho tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tránh bão an toàn.Phát huy lợi thế đặc trưng của đảo chìm này, Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông) được hình thành và đi vào hoạt động đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi. Nhiều mô hình thí điểm nuôi thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen, cá mú…đã được xây dựng, trong đó có nhiều loại phát triển tốt, có triển vọng mở rộng quy mô đại trà phục vụ xuất khẩu.

Không chỉ ở Song Tử Tây, Đá Tây, nhiều đảo khác trên khu vực quần đảo Trường Sa có những âu tàu lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân. Với những âu tàu rộng lớn, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá đang từng bước hiện đại, cùng với sự tương thân tương ái và tinh thần sẵn sàng chia sẻ của các cán bộ, chiến sỹ, các điểm đảo ở Trường Sa chính là điểm tựa vững chắc của ngư dân trong hành trình vươn khơi. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá biển cũng như đánh bắt, khai thác cá ở Trường Sa trên đường hoàn thiện và phát triển, hứa hẹn nhiều cơ hội mới.

Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, vẫn còn nhiều việc cần làm, trong đó cần phải hoàn thiện khả năng cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá tương xứng với khả năng đánh bắt, khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa vốn rất giàu tiềm năng nhằm chủ động về nguồn nước ngọt, khả năng tích trữ cung ứng lương thực, thực phẩm giúp ngư dân tăng thêm thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa sẽ góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó cũng là một trong những chương trình quan trọng của Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020.

                                                                                                                                       Phương Linh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác