Bình Thuận cấm khai thác các loài hải đặc sản trong mùa sinh sản (27-07-2015)

Hàng năm, bắt đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 là thời điểm các loài hải đặc sản đang trong mùa sinh sản. Dựa theo đặc điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận ra thông báo cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang ngày càng bị cạn kiệt từ ngày 1/4 - 31/7.
Bình Thuận cấm khai thác các loài hải đặc sản trong mùa sinh sản

 

Theo thông báo, các loài hải đặc sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị cấm khai thác gồm sò lông, điệp, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận. Trong thời gian thực hiện lệnh cấm, các tổ chức và cá nhân không được phép thu mua, vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loại hải sản nằm trong danh sách cấm. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận giao cho Chi cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiến hành phổ biến lệnh cấm đến với ngư dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan để mọi người thực hiện tốt chủ trương bảo vệ nguồn lợi hải sản trên vùng biển địa phương. 

Trong thời gian cấm khai thác, các ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng đến các chủ phương tiện lặn, các tụ điểm tập kết, thu mua, vận chuyển hải đặc sản đang cấm khai thác. Các cơ quan chức năng của ngành phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành chỉ đạo trên, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm.

Bình Thuận được xem là một trong những ngư trường lớn nhất của cả nước, là nơi tập trung các loại hải đặc sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị cao như điệp, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, sò giấy… Nguồn lợi tự nhiên này từ lâu được coi là nguồn thu nhập chính của lao động biển trong tỉnh Bình Thuận. Hàng năm, toàn tỉnh có trên hàng trăm lượt thuyền hành nghề lặn hải đặc sản tập trung nhiều nhất là tại vùng biển Tuy Phong, Phú Quý và Lagi. Mỗi năm sản lượng khai thác sò điệp khoảng gần 9.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng khai thác hải đặc sản, sò lông gần 2.000 tấn chiếm hơn 10%... Mỗi ngày thu nhập của ngư dân từ 500.000 – 2.000.000 đồng. Nhờ đó, đời sống của nhiều ngư dân được cải thiện, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản đang có xu hướng giảm mạnh. Hiện tượng đánh bắt tận diệt, khai thác hải sản non và hải sản đang trong thời gian sinh sản, hoặc giã cào bay hoạt động sai tuyến, sử dụng chất nổ… là những nguyên nhân khiến nguồn lợi từ biển đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chính vì vậy công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, phát huy tính tự giác của ngư dân để giữ gìn những nguồn lợi này.

Thực hiện thông báo của tỉnh Bình Thuận, huyện Tuy Phong cũng ra thông báo, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loài hải đặc sản cấm này. Xã Phước Thể và Chí Công là hai vùng biển có nhiều loài hải đặc sản như sò, điệp và  ốc các loại. Tuy nhiên, hiện nay một số xã, thị trấn ngư dân vẫn lén lút hành nghề, các cơ sở thu mua và phương tiện vẫn hoạt động. Mặc dù đã được địa phương tuyên truyền rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều người vẫn chấp hành không nghiêm quy định. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, từ đầu mùa cấm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, công an huyện và công an tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm và ra quyết định xử phạt 83 triệu đồng, tịch thu tang vật 9,1 tấn hải đặc sản các loại.

Trong thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý mạnh các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Tái tạo nguồn lợi hải đặc sản, nhất là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

 

Phương Linh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác