Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Cà Mau (23-09-2019)

Ngày 21/9/2019, tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tăng ni, phật tử, người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Cà Mau

Mục đích chính của buổi Lễ là: Thả giống thủy sản phóng sinh nhằm tái tạo nguồn lợi và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tăng ni, phật tử, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến tham dự Lễ thả giống thủy sản có lãnh đạo và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản (Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản, Văn phòng Tổng cục và Trung tâm Thông tin thủy sản). Cùng đến tham dự còn có lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cà Mau, người dân và các tăng ni, phật tử xã Đất Mũi, các tổ chức/cá nhân và cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959-01/4/2019), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những biện pháp nhằm phục hồi, tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm. Trung bình hàng năm, trên cả nước, có khoảng 42 triệu con giống thủy sản các loại đã được các tỉnh/thành phố tổ chức thả vào thủy vực tự nhiên.  

Bên cạnh hoạt động thả giống của các cơ quan chuyên môn thì hoạt động thả phóng sinh các giống, loài thủy sản cũng được các tăng ni, phật tử và người dân thực hiện. Điều này đã góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, tại một số nơi, hoạt động phóng sinh các loài thủy sản của các tăng ni, phật tử và một số đạo tràng vẫn tồn tại những vấn đề bất cập như: lựa chọn đối tượng thả chưa phù hợp, số lượng và tỷ lệ các loài chưa phù hợp, kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển và thả phóng sinh các loài thủy sản chưa phù hợp… gây ảnh hưởng tới môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái, khiến hoạt động phóng sinh mất đi ý nghĩa tốt đẹp.

Để hoạt động thả giống, phóng sinh thực sự có ý nghĩa và hiệu quả về tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc, năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã ký kết Bản ghi nhớ với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Việc phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự đồng thuận trong xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản lần này chính là một trong những hoạt động được triển khai phối hợp giữa hai bên trong năm 2019. Tổng cục Thủy sản hy vọng các cấp chính quyền, các đại biểu đến tham dự Lễ thả giống thủy sản sẽ là những phần tử tích cực nhất, vận động, tuyên truyền cho người dân không khai thác cá giống sau Lễ thả phóng sinh; tuyệt đối không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tổng cục Thủy sản cũng hy vọng, thông qua hoạt động này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời kêu gọi các tăng ni, phật tử, các tổ chức/cá nhân cùng chung tay đóng góp cho công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản hướng tới mục tiêu chung: Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác