Chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 10 và mưa lũ (27-12-2016)

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, chiều ngày 26/12/2016, bão Nock-ten đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 10. Hồi 22 giờ ngày 26/12/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.
Chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 10 và mưa lũ

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam mỗi giờ đi được 15km. Đến 22 giờ ngày 27/12/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/ giờ), giật cấp 10-11.

Vùng nguy hiểm  gió mạnh từ cấp 6 trở lên được xác định là phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114 độ Kinh Đông. Gió mạnh từ cấp 8 trở lên là phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 28/12/2016, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 4-6 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

 Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 44/CĐ-TW hồi 16 giờ ngày 26/12/2016 yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Kiểm đếm, duy trì liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn dân cư, sản xuất và hồ chứa, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển. Các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa, lũ lớn kéo dài vừa qua cần theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để có biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa và điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân cho phù hợp. Đồng thời triển khai phương án ứng phó mưa lũ theo các cấp báo động và theo phương châm 4 tại chỗ. Có phương án kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân qua các khu vực ngầm, tràn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo nhanh của Tổng cục Thủy sản tính đến 07h00’ ngày 26/12/2016 số lượng các tàu thuyền quan sát từ Hệ thống Movimar và Trạm bờ có 175 tàu cá đang hoạt động trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão Nock-ten (Quảng Bình: 04 tàu; Quảng Nam: 02 tàu; Quảng Ngãi: 70 tàu; Đà Nẵng: 02 tàu; Bình Định: 58 tàu; Phú Yên: 32 tàu; Bình Thuận: 02 tàu; Bà Rịa Vũng Tàu: 04 tàu; Bến Tre: 01 tàu).

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác