Nuôi trồng, sản xuất, chế biến rong, tảo biển ở các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu, đặc biệt phải kể tới các quốc gia có nghề nuôi trồng chế biến rong biển hàng đầu thế giới hiện nay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Trong khi đó, nghề nuôi trồng rong biển ở Việt Nam mới được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây.
Việt Nam, việc nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong, tảo biển hiện nay vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Do vậy, giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, chủ yếu rong, tảo biển do các hộ nông ngư dân nuôi trồng mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ, lẻ do đó chưa thể khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế từ mặt hàng này so với tiềm năng, lợi thế của quốc gia biển.
PGS,TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay: Chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iot và sắt, chất béo thấp, cũng như các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, C, E, và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể, do vậy rất tốt trong việc tái tạo mô, tạo độ đàn hồi của da, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hóa, làm săn da, chống lão hóa, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam lại là nhập khẩu. Rong biển Việt Nam được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ,… Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi nên giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.
Để phát triển ngành rong biển thì việc khép kín liên kết chuỗi từ “Cây giống - vùng trồng - sản xuất - thương mại - hệ thống tiêu thụ” là cần thiết. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong; ứng dụng công nghệ cao - công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong biển. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm và nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rong.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều đồng tình để nghề nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, trong thời gian tới rất cần xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với nông, ngư dân.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa ICAFIS, Công ty TNHH JapiFoods và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Phát STP; đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.
Thanh Thủy