Tin hoạt động
Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được hưởng chế độ ưu tiên: Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa đề nghị Bộ Công thương thông báo cho những doanh nghiệp (DN) có tên trong danh sách "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2012- 2013" để đối chiếu với Thông tư 86/2013/TT-BTC, nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ xem xét, đánh giá công nhận DN ưu tiên. Theo danh sách của Bộ Công thương, hiện có 5 DN xuất khẩu uy tín năm 2012-2013 đã được TCHQ công nhận là DN ưu tiên đặc biệt, trong đó có 2 DN thủy sản là: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Ph và Công ty CP XNK Thủy sản An Giang. Khi được công nhận DN sẽ được miễn kiểm tra hồ sơ thực tế hàng hóa, được thông quan hàng hóa 24h/7 ngày và hưởng nhiều ưu đãi khác khi làm thủ tục hải quan.
Kêu gọi 64 ngàn tàu thuyền tránh siêu bão Utor: Theo báo cáo nhanh 358/BC-CQTT ngày 12/8/2013 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn /Bộ đội biên phòng , tính đến sáng 12/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.295 phương tiện/ 270.993 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và bão Utor để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, 92 tàu/ 1.136 người đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa; 1.089 tàu/10.139 người đang hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa (73 tàu/1.512 người của Quảng Namhoạt động ở khu vực từ 9-13 độ vĩ Bắc, 111-113 độ kinh Đông). 63.137 tàu/259.653 người neo đậu tại bến và hoạt động tại các vùng biển khác.
EU đăng bạ bảo hộ PDO cho nước mắm “Phú Quốc”: Tổng vụ Nông nghiệp, Ủy ban châu Âu (EU) vừa trao chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam. Theo các chuyên gia phân tích, việc đăng bạ bảo hộ PDO thành công sản phẩm này tại 28 nước thành viên EU là điều kiện tốt để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc vào thị trường đầy tiềm năng này.
Tin nuôi trồng thủy sản
Bội thu thu hoạch vụ 2 tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam: Vụ 2 nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, được mùa lại được giá, nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ nhờ đầu tư mô hình nuôi tôm bài bản, chú trọng đến yếu tố đảm bảo môi trường.
Tin khai thác thủy sản
Phát triển nhiều tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển ở Thừa Thiên – Huế: Phát triển tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển là một trong những hướng đi nhằm tăng cường hiệu quả đánh bắt, khai thác thủy sản ở TT-Huế. Toàn tỉnh hiện có 1.941 chiếc tàu thuyền máy khai thác hải sản với tổng công suất 73.726 CV, trong đó 235 chiếc tàu loại trên 90 CV hoạt động xa bờ, 25 tàu được trang bị hệ thống định vị vệ tinh và hơn 70 tàu vừa đánh bắt kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Ngoài ra tỉnh còn có 4.000 tàu thuyền máy và 2.000 thuyền thủ công tham gia đánh bắt thủy sản trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm Lăng Cô. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp cảng cá Thuận An, Vinh Hiền, các khu neo đầu tàu thuyền Hải Dương, Phú Thuận, Phú Hải… để phục vụ tốt cho hoạt động nghề cá và nhu cầu tránh trú bão. UBND tỉnh đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển tổ, đội sản xuất trên biển, hỗ trợ phương tiện thiết bị bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác trên biển xa; bố trí nguồn lực ưu tiên xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển sản xuất đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đến cuối năm, 3.000 tàu cá sẽ được gắn chíp vệ tinh: Do biến đổi khí hậu, số lượng bão trên biển Đông sẽ ngày càng nhiều. Để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, trong năm 2013, Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai dự án gắn chip kết nối vệ tinh với tàu cá nhằm cập nhật thông tin bão, áp thấp nhiệt đới nhanh nhất để có phương án phòng tránh. Việc làm này sẽ được thực hiện với toàn bộ nhóm tàu khai thác hải sản xa bờ, nhờ đó, tàu cá có thể nhận được thông tin về bão rõ ràng, chính xác, đường hướng di chuyển của bão cũng như là cách tránh bão đảm bảo an toàn nhất.
Ngư dân Tuy Phong, Bình Thuận trúng đậm mùa cá cơm: Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 năm nay, tại vùng biển thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong xuất hiện nhiều luồng cá cơm rất dày, bà con ngư dân trúng đậm, trung bình mỗi thuyền đánh bắt từ 2- 3 tấn cá cơm sau một đêm lao động trên biển. Do sản lượng cá khai thác nhiều nên giá cá giảm so với những năm trước.Năm 2012, đầu vụ cá nam, mỗi giỏ cá cơm tươi được thu mua với giá từ 450.000đ- 500.000đ/giỏ nhưng tại thời điểm này, ngư dân chỉ bán với mức giá từ 100.000- 200.000đ/giỏ tùy loại. giá cá thay đổi thậm chí trong ngày: buổi sáng giá cao khoảng 200.000đ/giỏ, nhưng đến chiều chỉ còn 150.000 đ/giỏ và đến tối thì chỉ còn 100.000đ/giỏ. Tuy nhiên, do sản lượng cao nên ngư dân vẫn có lãi. Sau khi trừ chi phí mỗi bạn thuyền được chia từ 700 nghìn đến một triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, ngư dân xã Phước Thể đánh bắt được từ 50 đến 60 tấn cá cơm. Hầu hết đều được các thương lái mua đưa vào các cơ sở sơ chế và hấp phơi khô để xuất khẩu, một số dùng chế biến nước mắm. Do sản lượng cá quá lớn, nhiều thương lái phải chở hàng đi các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ.
Mùa nước nổi, tại An Giang xuất hiện nhiều sản vật có giá bán cao: Trong gần 1 tháng trở lại đây, mực nước trên thượng nguồn đổ mạnh vào các con sông Tiền, Sông Hậu và sông Vàm Nao, tỉnh An Giang. Bắt đầu vào mùa lũ, đã xuất hiện nhiều loài thủy sản quí như cá, tôm,.... đang có giá bán rất cao gấp 2 - 3 lần so với cao điểm mùa lũ. Điển hình là cá linh (tên khoa học là Cirrihinus Juillinni). Đây là đặc sản của An Giang vào mùa nước nổi. Hiện nay, loại cá này có giá bán cá non tại chợ là 150.000 - 160.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của các năm trước, khi vào cao điểm mùa lũ (chính vụ mùa cá linh) giá loại cá này giảm còn 50.000 - 60.000 đồng/kg. Cá leo (Wallago attu) cũng có giá bán tương đương như cá linh. Ngoài ra còn có cá lưỡi trâu (Cynoglosus robustus) với giá bán hiện là 250.000 đồng/kg. Cao nhất là tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) có giá bán từ 350.000 - 600.000 đồng/kg tùy kích cỡ, trọng lượng.
Tin giá, thị trường thủy sản
70.000 đồng/kg sò huyết Bến Tre: Do sản lượng giảm (năm trước 1.000 m2 thu hoạch 3 tấn sò thịt thì năm nay giảm chỉ còn khoảng 1 tấn), nên giá sò huyết tăng hơn trước từ 10.000 - 15.000 đ/kg. Cụ thể sò huyết loại từ 30 - 40 con/kg bán được giá 50.000 đ/kg; loại sò huyết từ 40 con/kg có giá 65.000 - 70.000 đ/kg.
Giá tôm thẻ nguyên liệu tăng do hút hàng: Sau đợt giảm giá liên tục từ đầu tháng 7, giá thu mua tôm thẻ nguyên liệu ở khu vực các tỉnh ven biển phía đông vùng ĐBSCL đã tăng trở lại: tôm loại 60 con/kg trong tuần ở mức 125.000 – 130.000 đồng/kg, loại 90 con/kg hoảng 110.000 – 115.000 đồng/kg, giá tôm các cỡ đều tăng bình quân 10.000 – 15.000 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liêu loại 30 – 40 con/kg tiếp tục giảm và ở dưới mức giá 180.000 đồng/kg. Giới buôn tôm cho rằng, do áp lực từ đối tác nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp chế biến không mua tôm sú nguyên liệu cỡ nhỏ, bởi họ lo ngại đây là nguồn tôm đã gặp sự cố trong quá trình nuôi, nên người nuôi buộc phải xổ ao sớm, bán tôm non.
Dự báo giá thủy sản tăng: Từ nay đến cuối năm, giá cá, tôm… sẽ đạt mức tăng cao nhất do nhu cầu của thị trường tăng mạnh ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế. Nguồn cung tôm trên toàn thế giới đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh tôm chết sớm, do đó, giá sản phẩm này đã được đẩy lên mức cao và sẽ còn tăng thêm nữa trong thời gian tới. Giá thu mua tôm thẻ nguyên liệu trong nước đang ở mức 110.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại, lượng cá tra trong dân không còn nhiều, người nuôi nhỏ, lẻ cũng đã kiệt sức nhưng những hộ nuôi liên kết, có bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vẫn có thể phát triển được.
Tin xuất khẩu thủy sản
Xuất khẩu cá ngừ gặp khó: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu do việc đánh bắt cá ngừ đại dương từ các ngư trường trên cả nước đã giảm mạnh từ đầu năm. Ngoài ra, một lý do khác ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam là do lượng tồn kho của thế giới cao sau khi tăng mạnh nhập khẩu vào 2012; trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở một số thị trường chính như Nhật, Mỹ và châu Âu giảm mạnh. Nếu như 6 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của cá ngừ Việt Nam thì nửa đầu năm 2013 Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ ba khi nhập cá ngừ từ Việt Nam trong thời gian này chỉ đạt 31,6 triệu đô la Mỹ, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
FICen tổng hợp