Trifluralin- Mục đích sử dụng, tác hại và chất thay thế (21-01-2014)

Thông tư số 64/2010/TT-BNN về việc đưa các chất có chứa Trifluralin ra khỏi danh sách các chất cải tạo, xử lí môi trường trong nuôi trồng thủy sản được ban hành thì người sản xuất gặp không ít khó khăn trong việc phòng trị bệnh ở trại giống và ngoài ao nuôi. Vì thế, với yêu cầu trước mắt là làm thế nào có được những chất có thể thay thế hiệu quả công dụng của Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản là một trong những yêu cầu có thể nói là khá cấp thiết hiện nay.
Trifluralin- Mục đích sử dụng, tác hại và chất thay thế

       Thông tin chung về Trifluralin

       Trifuralin còn được biết với một số tên thương mại như: Flurene SE, Treflan, Tri-4, Trust, M.T.F., Trifluralina 600, Elancolan, Su Seguro Carpidor, Trefanocide, Treficon, Trim, L-36352, Crisalin, TR-10, Triflurex and Ipersan, Treflan® 5G, Treflan® E.C., Trifluralin® 4EC. Tên hóa học: C13H16F3N3O4 (α,α,α-trifluoro-2,6-dinitro-N,N-dipropyl-p-toluidine), Trifluralin tan chảy ở nhiệt độ 42-490C; dung dịch Trifluralin bão hòa có giá trị pH = 5,9 ± 0,1; hòa tan trong nước (250C) <1 ppm; dung môi hòa tan: acetone, acetonitrile, chloroform, dichloromethane, ethyl acetate và toluene với >100 g/100mL, và trong hexane 5-6,7 g/100 mL hay methanol 3,3-4 g/100 mL.

       Với địa hình và khí hậu thuận lợi, nghề nuôi thủy sản của nước ta ngày càng phát triển, được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đồng thời, cũng đã trở thành những mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, khi các nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra, ba sa và tôm sú thành công thì các đối tượng nuôi này ngày càng phát triển cả về diện tích và mức độ thâm canh hóa. Song hầu hết vẫn là phát triển tự phát, thiếu hoặc việc quy hoạch ở các địa phương chưa đuổi kịp sự phát triển tự phát; vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực nuôi chưa được chú trọng. Vì thế, trong quá trình sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm người nuôi và các nhà sản xuất giống gặp không ít trở ngại vì một số bệnh bộc phát như nấm, ngoại ký sinh trùng tuy không nghiêm trọng như một số bệnh do vi khuẩn, virus nhưng cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và sản lượng khi thu hoạch. Để khắc phục tình trạng này, người sản xuất thường sử dụng một vài loại hóa chất để phòng và trị bệnh trong ương, nuôi tôm sú và cá tra, ba sa.

       Từ khi một số chất kháng sinh và hóa chất như xanh Malachite, Dipterex không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thì các nhà sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục sử dụng Trifluralin để phòng và trị một số bệnh do nấm và ký sinh trùng gây ra, tuy nhiên đây cũng là một loại hóa chất gây độc hại cho người tiêu thụ sản phẩm khi dư lượng còn tồn lưu trong sản phẩm. Chính vì thế, Thông tư số 64/2010/TT-BNN về việc đưa các chất có chứa Trifluralin ra khỏi danh sách các chất cải tạo, xử lí môi trường trong nuôi trồng thủy sản được ban hành thì người sản xuất gặp không ít khó khăn trong việc phòng trị bệnh ở trại giống và ngoài ao nuôi. Vì thế, với yêu cầu trước mắt là làm thế nào có được những chất có thể thay thế hiệu quả công dụng của Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản là một trong những yêu cầu có thể nói là khá cấp thiết hiện nay. Với mục tiêu trên bài viết nhằm cung cấp cho các nhà sản xuất giống, người nuôi trồng thủy sản một số thông tin và tác hại về hóa chất Trifluralin và một vài hóa chất có thể thay thế, góp phần hạn chế và giảm thiểu bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã tìm được một số chất thay thế Trifluralin.

      Mục đích sử dụng

      Trong nông nghiệp, Trifluralin là chất diệt cỏ, được dùng để diệt cỏ hàng niên và cỏ lá rộng. Trifluralin được xử lí trong đất trước khi cỏ nảy mầm. Cơ chế tác dụng của Trifluralin là ức chế quá trình phát triển của rễ, chúng làm gián đoạn quá trình phân bào (mitosis) trong giai đoạn phát triển sớm của tế bào mầm. Trifluralin không có hiệu quả diệt cỏ khi cỏ đã phát triển. Vì vậy, Trifluralin thường được xử lý vào đất trước khi cỏ mọc mầm để diệt cỏ.

      Trong sản xuất giống tôm nước mặn, lợ (tôm sú, tôm chân trắng) Trifluralin được sử dụng như chất diệt nấm để phòng trị bệnh nấm trên ấu trùng tôm vì Trifluralin có hiệu quả ức chế sự phát triển sợi nấm nhiễm trên ấu trùng. 

Đối với thủy sản nuôi nước ngọt thì Trifluralin được sử dụng trong việc xử lý nước và diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh, rất hiệu quả trong xử lí sán lá đơn chủ ký sinh trên cá tra. Các sản phẩm thương mại của Trifluralin trước đây hầu hết ở dạng dung dịch (Trifluralin tan rất ít trong nước, dung môi hòa tan là acetone).

      Tác hại của Trifluralin đối với con người

      Đối với con người, Trifluralin có thể gây dị ứng da khi con người tiếp xúc với nó. Hít phải hơi có thể gây kích thích niêm mạc miệng, cổ họng hoặc phổi. Hầu hết các trường hợp kết quả nhiễm độc từ người vận chuyển hoặc dung môi trong các sản phẩm trifluralin. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi hít phải hơi của Trifluralin bao gồm đau đầu, chóng mặt và sức khỏe suy sụp, nếu nuốt phải, trifluralin có thể gây nôn mửa, chuột rút và và có thể gây kích thích cho đôi mắt. Kéo dài hoặc lặp đi lặp lại tiếp xúc với trifluralin có thể gây kích thích da. Kết quả nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra nếu tiêu thụ trifluralin ở mức cao trong một thời gian dài có thể gây tổn hại gan và thận. 

      Trifluralin được cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Hoa Kỳ phân loại trong nhóm C, là chất có thể gây ung thư cho con người. Một nghiên cứu trên chuột ghi nhận: cho chuột ăn với liều 325mg/kg/ngày trong 2 năm sẽ xuất hiện các khối u ác tính phát triển trong thận, bàng quang  và tuyến giáp. Phá vỡ các nội tiết tố, làm thay đổi giới tính, gây sẩy thai.  

      Trong nông nghiệp, việc tồn tại của trifluralin trong đất nông nghiệp sau khi sử dụng được ghi nhận rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả độ ngấm của thuốc trong đất, độ ẩm đất và nhiệt độ, trung bình 126 đến 190 ngày. Dư lượng Trifluralin được ghi nhận trong bầu không khí từ vùng được báo cáo là không sử dụng, điều này cho thấy chất này có khả năng phát tán rất xa. Một khảo sát đã ghi nhận tìm thấy vết của Trifluralin ở Bắc Cực của Canada có xuất xứ  từ châu Á, có thể là Trung Quốc, vào năm 1991.

      Trong thủy sản, Trifluralin hiện diện trong các thủy vực thì rất độc đối với động vật thủy sản hoang dã (cá và các loài động vật không xương sống), khi các loài này sử dụng sinh vật trầm tích làm thức ăn thì chúng cũng có nguy cơ vì sự tích lũy của Trifluralin trong bùn trầm tích. Đối với nhiều loài cá biển có thể gây biến dạng cột sống, gây xuất huyết (Koyama, 1996). Gây độc cho lớp giáp xác bậc thấp (Alderman et al., 1994). Liều gây chết 50% (LC50) ở 96 giờ là nhỏ hơn 0,05 mg/L đến 0,12 mg/l.

      Tóm lại, Trifluralin ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngay cả ở liều lượng rất thấp, có thể phá vỡ các nội tiết tố, gây ung thư cho con người. Bên cạnh đó cũng gây độc đối với động vật thủy sinh, ảnh hưởng đến các loài cần được bảo tồn. Trifluralin có thể phát tán trong bầu khí quyển, có nghĩa là trifluralin có thể trở thành một chất gây ô nhiễm trên diện rộng. Vì thế, không nên sử dụng Trifluralin nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

      Một số chất có thể thay thế công dụng của Trifluralin

      Hóa chất có công dụng diệt nấm Benzal Konium Chloride (BKC): BKC là chất độc đối với vi khuẩn, virút và nấm và các bào tử, và một số ngoại ký sinh trùng, hiệu quả nhanh hơn Formaldehide. Liều sử dụng khi cải tạo ao 3- 5 ppm (mực nước trong ao khoảng 10-30 cm); kiểm soát mầm bệnh có thể dùng 0,3 –1,0 ppm (mực nước trong ao khoảng 1,0 m). Cần lưu ý, BKC diệt các mầm bệnh trong ao nuôi, đồng thời cũng diệt luôn các sinh vật khác nên sẽ đưa đến mất cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi. 

      Formalin, Formol (37-40% formaldehyde.) Formalin có thể sử dụng như  chất khử trùng, được sử dụng trong trại giống và ngoài ao nuôi. Formalin diệt được các sinh vật trong môi trường bao gồm nấm, vi khuẩn, ngoại ký sinh trùng trên tôm và cá. Thời gian bán hủy của Formol khoảng 2-3 ngày (hoặc kéo dài hơn nếu không được sục khí). Vì thế ít gây ra những tác hại mãn tính (Jung et al., 2001).

      Ngoài ao nuôi Formalin được dùng để kiểm soát mầm bệnh, liều sử dụng từ 10-25 ppm. Tuy nhiên Formalin cũng là nguyên nhân làm giảm hàm lượng Oxygen trong ao nuôi. Khuyến cáo hạn chế sử dụng Formalin để điều trị bệnh trong ao nuôi cá vì mỗi với liều 5mg/L Formalin sẽ làm giảm 1mg/L oxy hòa tan (DO) trong ao nuôi.

      Hydrogen peroxide (H2O2)

      Theo Small B.C. và Wolters W.R., 2003) và Smal B.C, 2006 (trích bởi Lý Thị Thanh Loan, 2007) thì Hydrogen peroxide (H2O2) có khả năng diệt nấm trên trứng cá hồi trong 15 phút với liều từ 250-500 ppm. Theo một nghiên cứu của Lý Thị Thanh Loan và ctv. (2007), Hydrogen Peroxyde 250 ppm có hiệu quả diệt nấm nhiễm trên trưng cá tra trong thời gian 15 phút. Hydrogen Peroxyde và những sản phẩm phân hủy của nó (Oxygen và H2O) là những chất không độc và được xem là thân thiện với môi trường được FDA (Food and Drug Administration) khuyến cáo sử dụng để trị bệnh nấm.

      Thuốc tím (Kali Permanganate – KMnO4) cũng là một chất có khả năng oxy hóa chất hữu cơ, vô cơ  và diệt vi khuẩn. Thuốc tím được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và ngoại ký sinh trùng (nhóm Nguyên sinh động vật). Được sử dụng với nồng độ 1-2 ppm có tác dụng tăng DO và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi (hàm lượng COD cũng giảm nhẹ); Thuốc tím trong nước hoạt động dưới dạng MnO4-, với nồng độ 20 ppm trong 1 giờ diệt được nhóm Nguyên sinh động vật và nhóm vi khuẩn dạng sợi (Flexibacter columnaris) tạo mảng bám trên tôm sú. 

                                                                                                                                                              Ngọc Hà

 

Ý kiến bạn đọc