Công nghệ mới giúp phát hiện nhiều bệnh ở tôm (11-12-2019)

CSIRO đã phát triển một thử nghiệm chẩn đoán mới có thể tăng doanh thu của người nuôi tôm thêm 67.000 USD mỗi ha.
Công nghệ mới giúp phát hiện nhiều bệnh ở tôm
Ảnh minh họa

Thử nghiệm mới này sử dụng công nghệ “Shrimp MultiPath” của Công ty khoa học quốc gia của Úc, công ty Genics khởi nghiệp ở Brisbane nhằm giải quyết thách thức toàn cầu về an ninh và chất lượng thực phẩm. Giải pháp này được đưa ra trong bối cảnh ngành nuôi tôm nước Úc đang phục hồi từ những tổn thất do dịch bệnh trong ba năm qua.

Công nghệ này có thể phát hiện 13 bệnh ở tôm, bao gồm hội chứng đốm trắng, đã quét sạch nhiều quần thể tôm trong năm 2016, và virus gây hoại tử dưới da và nhiễm trùng huyết (IHHNV).

Theo CSIRO, thử nghiệm để quản lý virus IHHNV sử dụng công nghệ Shrimp MultiPath tăng sản lượng tôm thêm 3,7 tấn trên mỗi hecta, tương đương 67.000 USD doanh thu của trang trại nuôi tôm. Do đó, một trang trại nuôi tôm Úc rộng 50 ha có thể có doanh thu tăng hơn 3 triệu USD mỗi mùa.

Các trang trại nuôi tôm nằm ở phía bắc New South Wales và Queensland, với khoảng 750 ha ao nuôi tôm. Việc tăng 3,7 tấn mỗi ha có thể giúp tăng sản lượng tôm nuôi khoảng 50%.

Giám đốc điều hành CSIRO, Tiến sĩ Larry Marshall chúc mừng Genics đã chuyển dịch nghiên cứu đột phá thành lợi ích trên thị trường.

Tiến sĩ Marshall cho biết: “Thật là tuyệt vời khi thấy công nghệ này có thể giải quyết thách thức an ninh lương thực toàn cầu”.

Giám đốc điều hành Genics và là nhà khoa học CSIRO trước đây, Tiến sĩ Melony Sellars cho biết công nghệ này xuất hiện vào thời điểm thích hợp cho ngành nuôi tôm trong nước, sau những mất mát từ mầm bệnh trong ba năm qua.

Phương pháp kiểm tra này được tiến hành một cách nhanh chóng giúp đỡ người nuôi tôm đưa ra các quyết định quản lý, và điều này có nghĩa là cho người tiêu dùng sẽ được thưởng thức nhiều tôm được nuôi tại Úc hơn với chất lượng cao hơn.

Úc tiêu thụ tất cả tôm sản xuất trong nước và phải nhập khẩu tôm từ nước ngoài để đáp ứng sự thiếu hụt về nguồn cung.

Tiến sĩ Sellars cho biết các thử nghiệm sẽ cho phép người nuôi tôm quản lý tốt hơn tôm nuôi khi chúng phát triển, giúp họ giảm thiểu tổn thất tôm nuôi và tăng đáng kể sản lượng, điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc của Úc vào tôm nhập khẩu.

Ba năm trước, ngành công nghiệp tôm đông nam Queensland, nơi sản xuất khoảng 40% tôm nuôi ở Úc, đã bị đóng cửa bởi sự tấn công của virus gây bệnh đốm trắng, một mầm bệnh vô hại đối với con người nhưng gây chết cho tôm.

Tiến sỹ Sellars cho biết: “Các thử nghiệm MultiPath giúp phát hiện bệnh đốm trắng, cũng như các mầm bệnh quốc tế khác hiện không có ở Úc. Công nghệ này cũng có thể được các cơ quan an toàn sinh học sử dụng như một hệ thống phát hiện để ngăn chặn sự lây lan của bất kỳ dịch bệnh tiềm năng nào trong tương lai có thể gây hại ngành tôm của chúng tôi”.

HNN (Theo Thefishsite)

Ý kiến bạn đọc