Sự ấm lên của đại dương sẽ phá hủy năng suất sinh học do nồng độ CO2 tăng (09-05-2017)

Các nhà nghiên cứu của Đại học Adelaide đã xây dựng một mạng lưới về thực phẩm biển (marine food web) để cho thấy sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến đa dạng sinh học biển và các nguồn cung cấp hải sản của chúng ta trong tương lai.
Sự ấm lên của đại dương sẽ phá hủy năng suất sinh học do nồng độ CO2 tăng
Ảnh minh họa

Theo công bố ngày 27/4/2017 trên tạp chí Biến đổi Sinh học Toàn cầu (Global Change Biology), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức CO2 cao vào cuối thế kỷ này gây ra quá trình axit hóa đại dương sẽ làm tăng sức sản xuất ở các mức độ khác nhau của mạng lưới thức ăn, nhưng hiện tượng đại dương ấm lên đã xóa bỏ lợi ích này bằng cách gây áp lực cho các loài động vật biển, ngăn cản chúng sử dụng nguồn CO2 gia tăng này một cách hiệu quả cho sự sinh trưởng và phát triển. Kết quả là một mạng lưới thức ăn bị phá vỡ.           

Giám đốc Dự án - Giáo sư Ivan Nagelkerken thuộc Viện nghiên cứu Môi trường của Đại học Adelaide cho biết “Con người dựa nhiều vào các dịch vụ khác nhau mà các dịch vụ này lại do các hệ sinh thái biển tạo ra, bao gồm thức ăn chúng ta ăn và các ngành công nghiệp bắt nguồn từ đó”.  

“Sự hiểu biết của chúng ta về những gì có thể xảy ra bị cản trở bởi sự dựa dẫm quá nhiều vào các hệ thống phòng thí nghiệm được đơn giản hóa tập trung vào các cấp đơn lẻ của mạng lưới thức ăn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tạo ra một loạt các mạng lưới 3 cấp và giám sát, đánh giá các kết quả qua nhiều tháng để đưa ra một kết luận sơ bộ về các mạng lưới thức ăn trong tương lai trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Các nhà khoa học đã xây dựng các mạng lưới thực phẩm biển dựa trên các loài thực vật sử dụng ánh sáng mặt trời và các chất dinh dưỡng để phát triển (tảo), các loài động vật không xương sống nhỏ ăn thực vật (như: tôm) và cá lại ăn các loài động vật không xương sống nhỏ. Họ có 12 bể lớn với các loài khác nhau để bắt chước rong biển, bãi cát rộng và các sinh cư rạn đá, mô phỏng sự chuyển động của thủy triều với các dòng chảy tròn.

Các mạng lưới thức ăn này được đặt ở các mức độ axit hóa đại dương và nước biển ấm lên như được dự đoán ở cuối thế kỷ này. Sau vài tháng, các nhà nghiên cứu đánh giá các quá trình cơ bản hoạt động trong lưới thức ăn như sự ăn thịt đồng loại và sự phát triển của các loài sinh vật.

Nghiên cứu sinh Silvan Goldenberg, người được Giáo sư Nagelkerken và Giáo sư Sean Connell hướng dẫn, cho biết “Nồng độ cácbon điôxít tăng lên thúc đẩy sự phát triển của thực vật; nhiều thức ăn từ thực vật hơn có nghĩa là sẽ có nhiều động vật không xương sống nhỏ hơn, và theo đó càng có nhiều động vật không xương sống nhỏ thì các loài cá càng phát triển nhanh hơn”.

“Tuy nhiên, sự ấm lên của đại dương đã xóa bỏ lợi ích này của lượng khí CO2 tăng cao bằng cách gây áp lực cho các loài động vật, làm cho chúng trở thành những động vật ăn mồi kém hiệu quả và ngăn cản năng lượng bổ sung do các loài thực vật sản xuất ra bằng cách đi qua lưới thức ăn đến cá. Đồng thời, cá lại bị đói hơn ở nhiệt độ cao hơn và bắt đầu ăn nhiều mồi là động vật không xương sống nhỏ”.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự ấm lên của đại dương có thể là một nguyên nhân gây áp lực căng thẳng không chống lại được làm cho các lưới thức ăn ít hiệu quả hơn, gây mất tác dụng “tạo phì nhiêu” của lượng khí CO2 tăng cao và làm cho mối quan hệ mong manh giữa động vật săn mồi và con mồi mất cân bằng.     

Theo Giáo sư Nagelkerken “Hậu quả đối với các hệ sinh thái có thể sẽ nghiêm trọng. Trong tương lai, các đại dương có thể cung cấp ít cá và động vật có vỏ cho con người làm thức ăn, và nói cụ thể là các loài động vật lớn hơn nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn sẽ chịu ảnh hưởng. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin dự báo quan trọng cho công tác quản lý nghề cá hiệu quả”.

Vũ Hậu (theo sciencedaily.com)

Ý kiến bạn đọc