Việt Nam và Hà Lan hợp tác vì nuôi trồng thủy sản bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long (27-11-2024)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình đó Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan tại Cần Thơ vào ngày 27/11/2024 đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác chiến lược, với các giải pháp công nghệ tiên tiến và mô hình quản lý bền vững, hứa hẹn thúc đẩy ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững trong tương lai.
Việt Nam và Hà Lan hợp tác vì nuôi trồng thủy sản bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long
Ảnh 1: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc

Diễn đàn Việt Nam – Hà Lan với chủ đề “Giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng ĐBSCL giữ vai trò trọng yếu khi chiếm 12,3% diện tích, 17,4% dân số và đóng góp 12% GDP của Việt Nam. Khu vực này dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây trong năm 2023. Để tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển bền vững khu vực này để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp được xác định dựa trên ba trọng tâm chính: thủy sản, cây ăn quả và lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái. Thủy sản, bao gồm cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn, được coi là sản phẩm chủ lực, với định hướng đưa ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của vùng – quy mô lớn, hiện đại, cạnh tranh cao và bền vững.

ĐBSCL từ lâu đã được biết đến là trung tâm sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất Việt Nam, chiếm 70% diện tích nuôi trồng và đóng góp 65% sản lượng thủy sản cả nước. Theo số liệu từ Cục Thủy sản, năm 2023, sản lượng thủy sản của vùng đạt 3,34 triệu tấn (chiếm tới 61,8%), với kim ngạch xuất khẩu lên tới 5,98 tỷ USD (chiếm tới 57,6%). Những sản phẩm chủ lực của vùng gồm cá tra và tôm nước lợ, với cá tra tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, và tôm nuôi tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Tính đến hết tháng 10.2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,2 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù có nhiều lợi thế tự nhiên, ngành thủy sản ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng các dịch bệnh thủy sản. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm, khiến khả năng cạnh tranh của ngành giảm sút trên thị trường quốc tế.

Hà Lan có nhiều giải pháp đổi mới đột phá

Việt Nam và Hà Lan có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Hà Lan, quốc gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản, đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong việc chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến. Thông qua chương trình Combi-track, Hà Lan đã giới thiệu phương thức tiếp cận tích hợp, kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại và đầu tư, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản ĐBSCL..

Ảnh 2: Ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh

Chương trình Combi-track tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý nước tự động, kiểm soát môi trường nuôi và quản lý dịch bệnh bằng mô hình “Tam giác gây bệnh”. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sự hợp tác này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mô hình "Tam giác gây bệnh" là một trong những giải pháp đột phá được giới thiệu tại diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hà Lan. Đây là phương pháp kiểm soát dịch bệnh dựa trên sự kết hợp giữa vật chủ, mầm bệnh và môi trường. Việc áp dụng mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng, đặc biệt là tôm và cá tra – hai loài thủy sản chủ lực của ĐBSCL.

Các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, nồng độ oxy hòa tan, độ pH và chất lượng nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của vật chủ. Khi chất lượng nước được cải thiện và vật nuôi được bảo đảm dinh dưỡng tốt, khả năng kháng bệnh sẽ tăng cao, giúp giảm thiểu tổn thất do dịch bệnh và tối ưu hóa năng suất.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn, các chuyên gia đồng tình rằng việc kiểm soát đồng thời cả ba yếu tố trong "tam giác gây bệnh" là một thách thức lớn. Dù nông dân có thể sử dụng các thiết bị hiện đại để quản lý môi trường nuôi, nhưng kiểm soát chất lượng con giống vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng do nguồn cung phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài.

Ảnh 3: Các phiên thảo luận diễn ra rất sôi nổi

Tiến sĩ Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, cần tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh cho nông dân. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết giữa nông dân, cơ quan chức năng và các trung tâm đào tạo để nghiên cứu các giải pháp phù hợp với thực tế sản xuất. Quan trọng hơn, phải xây dựng một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và nhà cung cấp giống, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín trong kiểm soát các yếu tố gây bệnh.”

Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành thủy sản trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Ông cho biết: "Để ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL, chúng ta cần xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại, có quy mô lớn và sức cạnh tranh cao, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế như Hà Lan."

Thứ trưởng cũng khẳng định rằng sự thành công của ngành phụ thuộc vào việc áp dụng các giải pháp công nghệ và nâng cao năng lực quản lý. Diễn đàn lần này là cơ hội để hai nước trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp thực tiễn và thúc đẩy hợp tác lâu dài.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%/năm, sản lượng 4,8 triệu tấn vào năm 2030, và giá trị xuất khẩu trên 9 tỷ USD, Bộ đã xác định bảy nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong thời gian tới.

Ảnh 4: Toàn cảnh Diễn đàn

Trước hết, sẽ triển khai đồng bộ Luật Thủy sản cùng các quy định hiện hành để bảo đảm các cơ sở nuôi trồng thủy sản tuân thủ đúng pháp luật, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027. Song song đó, đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản sẽ được đẩy mạnh, với sự chú trọng vào khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành cũng định hướng phát triển theo các vùng sinh thái, xây dựng các khu nuôi tập trung và mở rộng các mô hình nuôi bền vững có khả năng truy xuất nguồn gốc, đồng thời liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Hữu cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn trong việc tận dụng phụ phẩm từ nuôi trồng và chế biến, giúp tối ưu hóa giá trị sản phẩm. Ngoài ra, việc tăng cường liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu là yếu tố then chốt, giúp tối đa hóa lợi ích kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững cho toàn ngành thủy sản.

Với những nỗ lực chung từ cả hai phía, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan hứa hẹn sẽ mang lại bước tiến mới cho ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của Hà Lan cùng tiềm năng tự nhiên và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ giúp ngành thủy sản không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan không chỉ là cơ hội hợp tác kinh tế mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác bền vững giữa hai quốc gia, cùng hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc